Cần quản lý hiệu quả hoạt động khai thác khoáng sản thông thường

10:04 - Thứ Sáu, 07/04/2017 Lượt xem: 7214 In bài viết
ĐBP - Cát, sỏi là vật liệu xây dựng thông thường, thiết yếu phục vụ các công trình xây dựng. Hiện nay nhu cầu sử dụng vật liệu này trên địa bàn tỉnh ngày càng cao; trong khi một số đơn vị phải chờ trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác theo quy định thì tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến.

Thủ tục phức tạp, thời gian thẩm định dài

Tiếp chúng tôi trong căn phòng làm việc, ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đặt trên bàn một tập giấy tờ khá dày. Đó là những văn bản, tờ trình, báo cáo liên quan đến quy trình cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Vừa lần giở các văn bản, ông Trung cho biết: Một hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản bao gồm nhiều giấy tờ, như: Đơn đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; bản đồ khu vực khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản kèm theo quyết định phê duyệt và bản sao giấy chứng nhận đầu tư; báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… Nếu cá nhân, đơn vị có đầy đủ hồ sơ thì thời gian cấp giấy phép khai thác khoáng sản không phải tính bằng tháng mà phải tính bằng năm. Trình tự cấp giấy phép gồm nhiều bước, như: Tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản; thẩm định hồ sơ; trình hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản; thông báo và trả kết quả hồ sơ cấp giấy phép khai thác khoáng sản… Liệt kê bấy nhiêu văn bản, trình tự cho thấy thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản rất phức tạp, trong khi đó, thời gian thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép dài. Do có nhiều thủ tục và quy trình, không ít cá nhân, đơn vị lần đầu xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản đều không nắm rõ được các bước thực hiện về quy định, trình tự thủ tục, hồ sơ xin cấp phép.

 

Một điểm khai thác cát tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng rất cao song việc cấp giấy phép khai thác cát, sỏi tại các nhánh sông, suối ở vùng sâu, vùng xa vẫn phải thực hiện theo trình tự, thủ tục như các khoáng sản khác theo quy định. Hầu hết các điểm khai thác cát, sỏi có quy mô nhỏ, lẻ, theo mùa, trữ lượng nhỏ, không thành mỏ. Vì vậy, thay vì hoàn thành thủ tục xin cấp giấy phép thì nhiều cá nhân, đơn vị lén lút khai thác. Trong khi đó, công tác quản lý của UBND cấp xã sở tại, nơi có hoạt động khoáng sản trái phép còn hạn chế, thiếu kịp thời, đặc biệt là quản lý về đất đai, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường thậm chí có nơi còn buông lỏng. Mặt khác đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, đặc biệt là cấp xã còn thiếu và yếu; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tại xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên) có 4 điểm khai thác cát trái phép, chủ yếu là của các hộ dân trên địa bàn xã. Một trong những điểm khai thác trái phép là khu vực đầu mối Thủy điện Thác bay do ông Phùng Văn Thi (công nhân nhà máy Thủy điện Thác Bay) nạo vét, khai thác. Trước khi nạo vét, khai thác, ông Thi đã có đơn xin nạo vét lòng hồ thủy điện gửi Công ty Điện lực Điện Biên và được Công ty xác nhận. Sau khi đơn vị chức năng phát hiện, kiểm tra thực tế, yêu cầu dừng khai thác nhưng vẫn còn máy móc, thiết bị phục vụ khai thác tại khu vực đầu mối thủy điện. Kiểm tra địa bàn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên), cơ quan chức năng cũng phát hiện gia đình ông Cà Văn Duân đang hút cát trên diện tích đất của gia đình với 4 đầu hút và 2 máy xúc. Lý giải về việc khai thác khoáng sản mà chưa được cấp phép, ông Cà Văn Duân, cho biết: Trước đây, gia đình đã có đơn xin chuyển đổi mục đích nuôi trồng thủy sản gửi UBND xã Noong Hẹt nhưng chưa được phúc đáp. Do vậy, tôi đã tiến hành cải tạo ao và tận dụng cát trên phần diện tích đất của gia đình quản lý, sử dụng.

Cần giải pháp hiệu quả

Năm 2016, UBND tỉnh cấp 3 giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 6 điểm mỏ, cấp 6 giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi và tập trung tại các huyện: Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và Tủa Chùa; lập biên bản xử lý vi phạm với tổng số tiền 25 triệu đồng.

 

Cát, sỏi là vật liệu thông thường được sử dụng phổ biến trong xây dựng.

Những điểm được cấp giấy phép khai thác khoáng sản là rất nhỏ so với tổng số điểm đã và đang bị khai thác trái phép. Theo ông Nguyễn Thành Trung: Nhằm tháo gỡ vướng mắc, hạn chế đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng suối với quy mô nhỏ, lẻ tại khu vực không thành mỏ, khu bồi tụ không thường xuyên, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh cho phép bổ sung vào trong quy chế hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo hướng vận dụng chính sách pháp luật hiện hành ban hành cơ chế, chính sách cho phép các hộ gia đình, cá nhân được khai thác, tận dụng vật liệu xây dựng tại chỗ, bằng thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ nhưng quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Giải quyết được vấn đề này sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng tại chỗ, giảm giá thành đầu tư xây dựng công trình nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, công trình phục vụ dự án hạ tầng nông thôn mới cấp xã. Đồng thời, tỉnh cần ban hành, hướng dẫn cụ thể về việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng suối với quy mô nhỏ lẻ, trữ lượng nhỏ không thành mỏ, thời gian ngắn để phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, ban hành hướng dẫn chi tiết về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vật liệu thông thường để thuận lợi cho việc khai thác thực tế tại địa phương. Để tăng cường công tác quản lý, định kỳ 6 tháng các sở, ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh…

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã gây hậu quả xấu về môi trường, sản xuất, an ninh trật tự trên địa bàn, như: Sạt lở bờ sông, suối ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và các công trình giao thông, thủy lợi lân cận, làm biến đổi dòng chảy của các dòng sông, suối. Đặc biệt là ở khu vực ven sông Nậm Rốm (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) và khu vực suối Nậm Khum (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé)… Quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi, trong đó đơn giản thủ tục, trình tự cấp giấy phép khai thác là bài toán cần các đơn vị chức năng nghiên cứu, sớm tìm ra giải pháp.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top