Sớm điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR lưu vực sông Mã

09:26 - Thứ Hai, 22/05/2017 Lượt xem: 8537 In bài viết
ĐBP - Chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giúp đời sống người dân, cải thiện đáng kể; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, tại huyện Tuần Giáo từ năm 2013 đến nay, các chủ rừng thuộc lưu vực sông Mã vẫn chưa nhận được tiền DVMTR.

Huyện Tuần Giáo có 10/19 xã, thị trấn có diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã, với tổng diện tích hơn 8.300ha, được giao cho 69 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và 722 hộ dân. Để thực hiện chi trả DVMTR, UBND huyện Tuần Giáo đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách về dịch vụ hữu ích này đến các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan. Huyện đã thành lập hội đồng giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời tổ chức họp triển khai kế hoạch DVMTR tại các thôn, bản. Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã cơ bản hoàn chỉnh, dựa vào các văn bản đó, các cơ quan chức năng có thể chủ động triển khai chi trả DVMTR cho các chủ rừng. Song đến nay vẫn chưa có chủ rừng nào thuộc lưu vực sông Mã nhận được tiền DVMTR. Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông, cho biết: Xã có hơn 2.200ha rừng, giao cho 15 chủ rừng là hộ dân và 3 chủ rừng là cộng đồng bảo vệ, chăm sóc nhưng từ khi giao đất giao rừng (năm 2013) đến nay, người dân vẫn chưa được nhận tiền DVMTR. Xã đã kiến nghị lên huyện nhiều lần đều nhận được trả lời là do nhiều vướng mắc nên chưa chi trả được. Bà con mong cơ quan chức năng sớm triển khai việc chi trả để người dân được hưởng lợi từ rừng và phấn đấu bảo vệ rừng tốt hơn.

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo tuyên truyền cho người dân xã Mường Thín về công tác bảo vệ và phát triển rừng, chính sách chi trả DVMTR.

Ông Phan Anh Sơn, Phó Phòng Tài chính, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Công tác giải ngân tiền DVMTR thuộc lưu vực sông Mã trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ năm 2013 đến nay chưa được thực hiện. Bởi để có thể chi trả tiền cho người dân, đơn vị phải dựa trên căn cứ rà soát, lập biểu tổng hợp kết quả nghiệm thu diện tích rừng và xác định các chủ rừng của Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo để làm cơ sở thanh toán uỷ thác tiền chi trả DVMTR. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi chưa nhận được danh sách nghiệm thu rừng của Hạt Kiểm lâm nên không thể chi trả cho người dân. Dù đã có văn bản gửi huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo khẩn trương rà soát, nghiệm thu diện tích rừng, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin.

Cũng theo ông Sơn, do đơn giá chi trả tiền DVMTR thuộc lưu vực sông Mã quá thấp: năm 2013 là 6.024 đồng/ha; năm 2014 là 5.684 đồng/ha; năm 2015 là 6.594 đồng/ha nên đơn vị chưa thể chi trả cho người dân được, bởi mỗi lần tổ chức chi trả thì kinh phí đi lại rất tốn kém, có những chủ rừng được giao bảo vệ 1ha rừng thì 1 năm chỉ nhận được từ 5 - 6 nghìn đồng, trong khi đó từ nhà ra đến trung tâm xã để nhận tiền mất nửa ngày nên nhiều chủ rừng không muốn đi nhận tiền.

Về vấn đề chậm rà soát, lập biểu tổng hợp kết quả nghiệm thu diện tích rừng và xác định các chủ rừng, ông Đinh Văn Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo lý giải: “Không phải Hạt không đi rà soát, nghiệm thu diện tích rừng mà do đơn giá chi trả tiền DVMTR thuộc lưu vực sông Mã quá thấp; trong khi đó mức chi trả thuộc lưu vực sông Đà có khi lên đến hơn 300.000 đồng/ha/năm. Chênh lệch quá lớn dẫn đến người dân so bì quyền lợi, nên mỗi khi đi rà soát, nghiệm thu, các chủ rừng thuộc lưu vực sông Mã không ký vào biên bản nghiệm thu rừng”.

Tuy nhiên, tại Điều 3 của Thông tư 20/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 7/5/2012 về hướng dẫn trình tự thủ tục nghiệm thu thanh toán tiền chi trả DVMTR, quy định: “Hạt kiểm lâm có nhiệm vụ hoàn thành việc xác nhận, lập biểu tổng hợp kết quả nghiệm thu bảo vệ rừng chi trả DVMTR, gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh làm cơ sở thanh toán ủy thác tiền chi trả DVMTR của năm kế hoạch. Trong trường hợp có kiến nghị của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và trong trường hợp cần thiết khác thì hạt kiểm lâm chủ trì phối hợp với cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, nghiệm thu...” Như vậy, trong trường hợp người dân không chấp thuận với đơn giá chi trả tiền DVMTR, thì hạt kiểm lâm hoàn toàn có thể phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, nghiệm thu để làm cơ sở, căn cứ cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đã có văn bản gửi UBND, hạt kiểm lâm các huyện trong toàn tỉnh rà soát xác định chủ rừng đối với diện tích rừng nằm trong lưu vực chi trả tiền DVMTR có đơn giá chưa đủ 200.000 đồng/ha/năm, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm cơ sở phối hợp với các sở, ban, ngành trình UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí để bổ sung, đảm bảo đơn giá tối thiểu chi trả đến các chủ rừng là 200.000 đồng/ha/năm. Song, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên hiện nay UBND tỉnh vẫn chưa cân đối để thực hiện việc chi trả tiền DVMTR theo kết luận của nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Việc giao khoán rừng cho người dân để chăm sóc, bảo vệ là chính sách đúng đắn, nhằm hạn chế phá rừng, góp phần phát triển rừng bền vững, các cấp, ngành chức năng cần sớm có giải pháp gỡ vướng mắc trong công tác chi trả DVMTR; nhất là điều chỉnh mức chi trả tiền DVMTR đối với những diện tích rừng thuộc lưu vực sông Mã để người dân yên tâm bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top