Nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác xã kiểu mới

08:47 - Thứ Sáu, 28/07/2017 Lượt xem: 7236 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh năm 2016, trong số 119 HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh có khoảng 42 HTX hoạt động hiệu quả (chiếm 35%). Để phát huy vị trí, vai trò mô hình HTX kiểu mới trong phát triển kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.


Xã viên Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Pe Luông, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) kiểm tra độ sinh trưởng của cá tầm tại hồ Thủy lợi Pe Luông. Ảnh: Phạm Trung

Bà Nguyễn Thị Vy, Phó Trưởng phòng Tư vấn hỗ trợ kinh tế tập thể (Liên minh HTX tỉnh), cho biết: Theo quy định của Luật HTX năm 2012, toàn tỉnh hiện có 119/193 HTX kiểu mới với hơn 12.400 thành viên. Trong đó, số HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về vị trí, vai trò hoạt động kinh tế hợp tác của người dân cũng như cán bộ quản lý chưa cao. Bởi vậy, nhiều nông dân còn thiếu niềm tin vào HTX. Cùng với đó là vốn dành cho sản xuất kinh doanh thiếu, điều kiện tiếp cận vốn không đảm bảo... Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt, họp dân tại xã, phường nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về lợi ích của mô hình HTX kiểu mới. Nội dung tuyên truyền dễ hiểu, gắn với thực tế tại địa phương và từng mô hình HTX. Cụ thể như đối với các HTX cung ứng vật tư, phân bón nông nghiệp thì phải đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng của thành viên trước khi xuất bán ra thị trường và được chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ; HTX hoạt động theo phương thức tự chủ, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm; chú trọng vấn đề công khai minh bạch, dân chủ, trong đó các kế hoạch phát triển lớn của HTX đều có sự tham gia bàn bạc và góp ý kiến của thành viên.

Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh tiến hành rà soát, phân loại các HTX trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ. Hàng tháng, cán bộ trực tiếp xuống cơ sở tìm hiểu, vận động cá nhân, nhóm hộ, tổ hợp tác làm kinh tế giỏi tham gia thành lập HTX. Từ đó, có kế hoạch triển khai kịp thời hoạt động tư vấn, hỗ trợ HTX về đào tạo, bồi dưỡng, vay vốn, xúc tiến thương mại...

Những giải pháp đồng bộ đã mang lại những kết quả tích cực: Một số HTX hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định. Năm 2016, lợi nhuận bình quân 1 HTX kiểu mới khoảng 150 triệu đồng; thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/tháng/thành viên, người lao động. Tiêu biểu như: HTX Sản xuất bánh đặc sản dân tộc Thái (đội 5, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) thành lập tháng 5/2016 với 7 thành viên, vốn điều lệ 900 triệu đồng, thu nhập hơn 300 triệu đồng; HTX Thủy sản Pe Luông (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) chuyển đổi từ năm 2016 đã tiếp cận thị trường, đưa giống mới vào sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm, năm 2016, tổng lượng cá thương phẩm xuất ra thị trường đạt hơn 20 tấn...

Đến cuối năm 2017, Liên minh HTX tỉnh phấn đấu thành lập từ 20 HTX và 20 tổ hợp tác trở lên, xây dựng 2 - 3 mô hình HTX kiểu mới làm điểm, trong đó chú trọng xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết tiêu thụ hàng hóa để người dân yên tâm tham gia.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top