Chè tồn kho nhưng giá bán không hạ

08:50 - Thứ Sáu, 28/07/2017 Lượt xem: 7187 In bài viết
ĐBP - Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên nhiều năm nay là doanh nghiệp thu mua sản phẩm chè búp tươi cho nông dân 4 xã vùng chè: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sín Chải (huyện Tủa Chùa ). Đơn vị thu mua búp chè cây thấp với giá: 9 nghìn đồng/kg; búp chè cây cao 13 nghìn đồng/kg. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè  phục vụ nhu cầu của Công ty, UBND huyện Tủa Chùa hỗ trợ cho nông dân 3 nghìn đồng/kg búp tươi. Đặc biệt, chè cây cao được trồng trên vùng đất có khí hậu trong lành (tập trung chủ yếu ở xã Sín Chải) ít có sự can thiệp của thuốc bảo vệ thực vật (trừ cỏ, trừ sâu, phân bón hóa học) nên hương vị thơm ngon, đậm đà, đảm bảo an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng ưa thích. Tuy nhiên, sản xuất với số lượng không nhiều nhưng hàng năm chè Tủa Chùa vẫn tồn đọng với số lượng lớn.

 

Nông dân bản Sín Chải, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) thu hái búp chè bán cho Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên.

Năm 2016, Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên sản xuất, chế biến 11,429 tấn chè khô, đến tháng 6/2017 còn tồn 5,5 tấn. Những năm trước đó, lượng chè tồn của doanh nghiệp còn lớn hơn nữa. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Công ty đã thu mua búp chè tươi và sản xuất chế biến được 3,951 tấn chè khô, hiện đã tiêu thụ được 3,266 tấn, số lượng tồn đọng không đáng kể. Tuy nhiên, ông Cao Văn Đắp, Trưởng chi nhánh Trại Giống nông nghiệp Tủa Chùa, cho biết: Chè vụ xuân do thu hoạch và chế biến vào mùa khô ngon hơn nên khách quen đa số mua vào thời điểm 6 tháng đầu năm. Lứa thu hoạch những tháng cuối năm, vào mùa mưa nên chất lượng chè giảm, khó bán hơn. Cũng vì thế, chè tồn đọng phần lớn thuộc những mẻ sản xuất cuối năm. Mặc dù chè còn tồn kho, nhưng Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên vẫn phải thu mua hết búp chè tươi khi nông dân mang đến bán. Cũng theo ông Đắp, chè do Công ty sản xuất chế biến có mấy loại giá: Chè cây cao, loại hộp tròn giá 400 nghìn đồng/kg; chè đóng bao bì hộp vuông 200 nghìn đồng/kg; chè đóng bao hút chân không 180 nghìn đồng/kg; chè rời 160 nghìn đồng/kg.

Theo chúng tôi, nguyên nhân sản phẩm tồn kho một phần là do giá bán còn cao. Một thương nhân ở thị trấn Tủa Chùa, cho biết: Chè có nguồn gốc sản xuất chế biến từ tỉnh Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên... chất lượng ngang bằng với chè Tủa Chùa do Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên sản xuất chế biến, nhưng những sản phẩm này giá rẻ hơn nhiều, vì thế chè Tủa Chùa khó tiêu thụ là đúng. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng chè Tủa Chùa bán được ít hơn nhiều so với chè của các tỉnh nói trên.

Không ít lần chúng tôi chứng kiến, tại trụ sở UBND các xã trong huyện (Tả Phìn, Sín Chải...), cán bộ dùng chè sản xuất ở Sơn La để uống hàng ngày. Khi được hỏi “Người Tủa Chùa sao không dùng chè Tủa Chùa” thì được cán bộ trả lời, loại chè này rẻ hơn nhiều so với chè Tủa Chùa do Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên sản xuất.

Những băn khoăn vì sao hàng khó tiêu thụ, để tồn kho mà giá bán vẫn không giảm? Kinh doanh như thế có lãi không? Nếu không lãi, nguồn kinh phí ở đâu để trả cho công nhân, người lao động, tái sản xuất? Chè tồn kho, quá hạn sử dụng được xử lý như thế nào? Và đó có phải là một sự lãng phí hay gì khác nữa? Những băn khoăn này, chỉ Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Điện Biên mới có thể trả lời...

Bài, ảnh: Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top