Thành phố Điện Biên Phủ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

09:35 - Thứ Tư, 06/09/2017 Lượt xem: 8435 In bài viết
ĐBP - Thành phố Điện Biên Phủ hiện có nhiều loại cây trồng, song diện tích không tập trung, năng suất và sản lượng còn hạn chế. Qua rà soát, đến năm 2017, trên địa bàn thành phố có 37ha đất kém hiệu quả cần chuyển đổi, gồm: 35ha đất lúa nương với năng suất 10 tạ/ha, sản lượng 35 tấn; 2ha đất lúa ruộng 1 vụ năng suất 25 tạ/ha, sản lượng 5 tấn. Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, TP. Điện Biên Phủ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thu hút các nguồn lực liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố sản xuất trồng trọt còn hạn chế, năng suất cây trồng, giá trị kinh tế chưa cao; chưa có vùng sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, nông dân chưa chú trọng đầu tư trong sản xuất nên một số diện tích đã bạc màu, cây trồng bị thoái hóa, hiệu quả sử dụng đất thấp; cơ cấu cây trồng chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương hoặc nhu cầu thị trường. Hiện nay, cây lương thực vẫn là cây trồng chính trên địa bàn nhưng chưa có sự liên kết sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Mặc dù một số hộ nông dân được sự hỗ trợ từ các dự án để cải tạo các vườn cây già cỗi, chất lượng kém nhằm nâng cao giá trị sản phẩm song diện tích còn hạn chế so với nhu cầu. Bởi vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

 

Nhãn là một trong những loại cây ăn quả được thành phố đưa vào kế hoạch trồng thay thế trên diện tích đất lúa nương kém hiệu quả. Trong ảnh: Nông dân TP. Điện Biên Phủ thu hoạch nhãn.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020” trên địa bàn thành phố và Đề án Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đến năng 2020, định hướng đến năm 2025, TP. Điện Biên Phủ đang nỗ lực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho người dân. Theo kế hoạch của UBND thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, thành phố thực hiện chuyển đổi 37ha trồng lúa nương và lúa nước 1 vụ kém hiệu quả; trong đó, 35ha chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, gồm: Nhãn (3ha), chuối (20ha), bưởi (5ha), dứa (5ha), thanh long (2ha); 2ha chuyển đổi sang trồng cây thức ăn gia súc.

Để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách quy hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới các hộ dân, UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường ứng dụng tiến bộ về giống, kỹ thuật. Đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác các loại cây trồng thay thế để nông dân thực hiện. Đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, tham gia liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhất là đối với sản xuất cây ăn quả. Xem xét, tạo điều kiện hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả để có sự kiểm soát chất lượng, tăng giá trị hàng hóa.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top