Hiệu quả mô hình biogas

09:43 - Thứ Tư, 06/09/2017 Lượt xem: 8411 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, các mô hình kinh tế trang trại phát triển khá mạnh cả về số lượng và quy mô, nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, cùng với hiệu quả của mô hình chăn nuôi thì tình trạng ô nhiễm môi trường cũng thường xuyên diễn ra. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, vừa đảm bảo phát triển đàn gia súc, gia cầm vừa tạo môi trường sống trong lành. Một trong những giải pháp hữu hiệu được thực hiện là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. Tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường nông thôn và hướng dẫn sử dụng khí sinh học biogas cho người dân. Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình biogas. Tiêu biểu là địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên và phường Noong Bua, Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ). Khi chưa có công trình này, tình trạng mất vệ sinh môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi thường xuyên diễn ra, gây khó chịu cho các hộ lân cận. Từ khi có hầm biogas, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, sức khỏe, người dân còn tiết kiệm một khoản chi đáng kể với hàng triệu đồng tiền mua chất đốt/năm. Qua đó, hạn chế được tình trạng người dân lên rừng lấy củi làm chất đốt, góp phần bảo vệ rừng.

Tiêu biểu là mô hình trang trại chăn nuôi tập trung của gia đình chị Nguyễn Kim Thắng (đội 11, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên). Năm 2008, chị Thắng xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để tận dụng nguồn thức ăn từ chất thải chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, gia đình không chỉ đào ao thả cá mà còn xây dựng 3 bể biogas xử lý chất thải với dung tích 16m3/bể. Bình quân mỗi năm, chị xuất ra thị trường khoảng 40 tấn lợn thịt, 12 tấn vịt thịt. Đến nay, mô hình kinh tế của chị không chỉ đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường mà còn đem lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Còn với dự án xây dựng bếp biogas khí sinh học trên địa bàn xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên). Sau khi thí điểm và đưa vào sử dụng, dự án này đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Đến nay, phong trào xây hầm biogas ở Thanh Chăn đã lên tới trên trên 600 hộ. Anh Nguyễn Quốc Hùng (bản Việt Thanh 4), cho biết: Hơn 2 năm sử dụng khí sinh học biogas, mỗi tháng gia đình đã tiết kiệm gần 300 nghìn đồng. Nhận thấy tính tiện ích, lợi nhuận từ mô hình bếp này, gia đình đã phát triển đàn gia súc lên gần 10 con mỗi lứa để tận dụng chất thải chăn nuôi cung cấp cho việc vận hành bếp gas sinh học.

Với hướng đi hiệu quả, việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại gắn với mô hình biogas đã và đang trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, mô hình biogas mới chỉ tập trung xây dựng ở các xã nông thôn mới, trung tâm huyện mà vẫn chưa thể nhân rộng đến địa bàn các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình này cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt là nhận thức người dân trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Đức Kiên
Bình luận
Back To Top