Bất cập trong thực hiện dự án nuôi bò sinh sản tại Quài Nưa

10:29 - Thứ Sáu, 22/09/2017 Lượt xem: 7890 In bài viết
ĐBP - Năm 2016, Quài Nưa là 1 trong 16 xã của huyện Tuần Giáo được thụ hưởng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. UBND xã đã thực hiện hỗ trợ mua bò cái sinh sản (giống địa phương) quy mô 10 con bò, phân cho 10 nhóm hộ (mỗi nhóm từ 4 - 6 hộ), tại 9 bản với tổng số 45 hộ nghèo; các hộ tham gia dự án theo hình thức luân chuyển giữa các hộ trong nhóm. Đến nay, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt; tăng đàn lên 14 con, có con đã được luân chuyển cho hộ tiếp theo.

Ông Lường Văn Túng, bản Cọ, xã Quài Nưa - một trong những hộ nhận được bò từ dự án nuôi bò sinh sản cho biết: Tháng 9/2016, gia đình tôi may mắn nhất trong nhóm (gồm 5 hộ) vì bốc thăm được nhận bò đầu tiên và may mắn hơn nữa khi con bò đó chỉ hơn 3 tháng sau đã đẻ được 1 con bê cái, nuôi đến nay được trên 8 tháng tuổi. Cán bộ xã đã vào kiểm tra và tổ chức bốc thăm cho 4 gia đình còn lại trong nhóm nhận bê.

 

Ông Lường Văn Túng, bản Cọ, xã Quài Nưa chăm sóc bò.

Bà con trong các nhóm tham gia luân chuyển bò sinh sản đều phấn khởi. Tuy nhiên, điều bất cập chính là trong khi hầu hết các dự án hỗ trợ bò sinh sản đều luân chuyển bò mẹ (có nghĩa từ lúc nhận nuôi bò đến lúc sinh sản bê con được 8 tháng đến 1 năm tuổi sẽ luân chuyển bò mẹ cho các hộ khác nuôi để sinh sản và cứ thế tiếp tục luân chuyển)... thì các hộ nuôi bò theo dự án ở xã Quài Nưa lại chuyển bê con khi đã được hơn 8 tháng tuổi. Từ con bê ấy, hộ gia đình kế tiếp nuôi lớn sinh sản ra bê con rồi lại chuyển con bê con cho hộ khác trong nhóm nuôi... Với cách làm này thì cơ hội để được nhận bò giống sinh sản của người dân bị kéo dài. Bởi nếu luân chuyển bò mẹ chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 năm bò mẹ sẽ sinh sản lứa tiếp theo. Còn với 1 con bê có độ tuổi từ 8 tháng đến 1 năm tuổi khi chuyển cho hộ kế tiếp nuôi, có chăm sóc tốt cũng phải từ 27 - 30 tháng tuổi mới đẻ lứa đầu tiên. Như vậy sẽ thiệt thòi cho các hộ khác trong nhóm. Đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian thực hiện dự án nguy cơ rủi ro càng cao. Với hình thức luân chuyển bê con như hiện nay thì nhóm 6 hộ phải sau khoảng 18 năm thì hộ cuối cùng mới được nhận bê! Không những thế trong trường hợp bê con đẻ ra không phải là bê cái thì người nuôi lại phải thêm công đoạn đi mua hoặc đổi bê cái để giao cho hộ kế tiếp...

Chúng tôi trao đổi vấn đề này với bà Bạc Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa. Bà Thúy cho biết: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 của Chính phủ mà cụ thể là thực hiện hỗ trợ nuôi bò cái sinh sản do UBND xã làm chủ đầu tư. Các bước từ lập kế hoạch, thẩm định, triển khai dự án đều được xã thực hiện đúng quy trình. Ngoài ra, việc họp dân bình xét hộ nghèo, thành lập nhóm tham gia dự án xã cũng thực hiện nghiêm túc. Về việc chuyển bê con mà không phải luân chuyển bò mẹ là do trước đây đã làm thế và người dân cũng đồng tình.

Thiết nghĩ, để người dân sớm được tiếp nhận bò và phát huy hiệu quả từ việc nuôi luân chuyển, thì cần tính theo phương pháp tối ưu nhất đem lại lợi ích cho người được hưởng thụ, chứ không phải chỉ làm theo cách “trước đây đã làm thế và người dân cũng đồng tình” như bà Bạc Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Quài Nưa đã nói!

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top