Tăng thu nhập từ phế thải nông nghiệp

10:39 - Thứ Hai, 25/09/2017 Lượt xem: 5963 In bài viết
ĐBP - Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển ngành nghề nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện một số mô hình trồng nấm. Tuy nhiên, chương trình khuyến nông chỉ hỗ trợ một phần về giống, nguyên liệu và chuyển giao công nghệ; người trồng nấm chưa được hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, chưa tạo ra lượng hàng hoá ổn định để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ thực tế đó, đầu năm 2017, bằng nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình nuôi trồng nấm ăn tại một số huyện, thị trong tỉnh” với thời gian 24 tháng. Ðơn vị thực hiện là Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Ðiện Biên, do kỹ sư Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Ðiện Biên làm chủ nhiệm Dự án. Tham gia Dự án có 90 hộ nông dân tại 3 huyện: Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo và Mường Ảng; được Dự án hỗ trợ 15 tấn nguyên liệu và 5.550 bịch nấm giống.   

 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nấm Ðiện Biên (Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Ðiện Biên) thu hoạch nấm.

Ông Phạm Ngọc Sáng, Giám đốc Trung tâm Nấm Ðiện Biên cho biết: Hiện nay, nguồn nguyên liệu tại chỗ để trồng nấm là rơm, rạ, gỗ cành ngọn, lõi ngô... còn bỏ phí rất nhiều. Mô hình nuôi trồng nấm ăn (mộc nhĩ, rơm, sò), nấm dược liệu (linh chi) sẽ mở hướng để người nông dân tận dụng được chất thải nông nghiệp tưởng bỏ đi để làm giàu. Hiện Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Ðiện Biên là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước tuyển chọn thành công 11 giống nấm thích nghi với các điều kiện khí hậu tại địa phương. Công ty đã nhân giống để đưa ra sản xuất đại trà, tuyển chọn giống cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện nuôi trồng của nông dân. Bên cạnh đó, Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho những hộ tham gia.

Tham gia Dự án, anh Cầm Nhân Muôn, xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) trồng 150 bịch nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ. Anh Muôn chia sẻ: Những người tham gia dự án được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu làm lán, rồi tập huấn kỹ thuật chăm sóc nấm và các quy trình xử lý phế thải (bịch trồng) sau thu hoạch nấm thành phân hữu cơ sinh học. Ðến nay, nấm nhà tôi chuẩn bị cho thu hoạch, ước thu đợt đầu khoảng 100kg nấm thành phẩm. Với giá bán hiện nay là 80.000 đồng/kg, dự tính sẽ thu lãi 5 triệu đồng. Nấm có đặc tính ươm trồng được quanh năm, cứ 20 ngày lại cho thu hoạch một lần. Chi phí đầu tư thấp bởi tận dụng rơm rạ, lõi ngô, cám gạo; nếu thị trường ổn định, thì trồng nấm là hướng phát triển kinh tế tốt, bởi khi trồng nấm người nông dân làm theo quy trình khép kín trong sản xuất nông nghiệp: Phế phẩm là rơm rạ ủ lên men để trồng nấm, sau khi thu hoạch hết nấm, bã nấm còn lại được xử lý thành phân bón hữu cơ cho đồng ruộng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Do đó, sau khi dự án kết thúc, tôi sẽ tự mua giống để phát triển mô hình trồng nấm của gia đình.

Theo ước tính của Trung tâm, sau các vụ thu hoạch mỗi năm toàn tỉnh có hàng ngàn tấn phế liệu là rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, lõi ngô… Chỉ cần sử dụng 10% lượng phế liệu này đưa vào trồng nấm sẽ cho thu hoạch hàng trăm tấn nấm thành phẩm; vừa tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top