Thống nhất đầu mối kiểm soát chi

Nâng chất lượng phục vụ khách hàng

08:38 - Thứ Năm, 05/10/2017 Lượt xem: 6761 In bài viết
ĐBP - Là một trong 5 đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thực hiện Ðề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống kho bạc Nhà nước (gọi tắt là Ðề án), Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện Ðề án với mục tiêu cải cách hành chính, giảm đầu mối làm việc, nâng cao và cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng, tiến tới rút ngắn thời gian kiểm soát chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống KBNN.

 

Khách hàng giao dịch tại Phòng Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước tỉnh).

Việc hợp nhất đầu mối kiểm soát chi trong hệ thống KBNN tại hệ thống KBNN các cấp trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện giao dịch từ 5/9/2017. Theo đánh giá bước đầu của việc thực hiện Ðề án là đã phân định lại chức năng, nhiệm vụ giữa phòng, bộ phận kiểm soát chi và phòng, bộ phận kế toán trong lĩnh vực kiểm soát chi ngân sách Nhà nước theo hướng chuyên sâu; tách bạch giữa nghiệp vụ kiểm soát chi và nghiệp vụ kế toán, đảm bảo nguyên tắc mỗi phòng, bộ phận tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khắc phục được những tồn tại, hạn chế trước đó khi công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước trong nội bộ hệ thống chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 2 bộ phận thực hiện (Phòng, bộ phận kiểm soát chi thực hiện kiểm soát chi vốn đầu tư; phòng, bộ phận kế toán thực hiện kiểm soát chi các khoản chi thường xuyên). Cách tổ chức kiểm soát chi này chưa thực sự tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN; đặc biệt là đối với trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách được giao cả dự toán chi thường xuyên và chi đầu tư; trường hợp chương trình, dự án được giao cả vốn đầu tư và chi thường xuyên; đồng thời chưa phù hợp về mô hình kiểm soát chi qua hệ thống KBNN theo thông lệ quốc tế - Ông Trần Mạnh Hà, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Ðiện Biên nhấn mạnh.

Căn cứ vị trí, khối lượng công việc của công chức đang làm công tác kế toán và kiểm soát chi ngân sách Nhà nước; KBNN tỉnh, KBNN các huyện, thị xã đã tổ chức việc kiểm soát chi và hạch toán theo đúng các bước hướng dẫn triển khai thí điểm Ðề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước qua KBNN; sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp trên cơ sở nhân sự hiện có đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi thường xuyên và nhân sự đang thực hiện kiểm soát chi đầu tư. Ðồng thời thông báo, hướng dẫn cụ thể thời gian, địa điểm cho các đơn vị, tạo thuận lợi cho khách hàng, đơn vị đến giao dịch.

Phòng Kiểm soát chi (KBNN tỉnh) sau khi triển khai Ðề án được bố trí 14 người (trong đó, có 6 công chức từ phòng Kế toán Nhà nước điều động sang và 1 công chức được điều động từ huyện lên). Theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên”, cán bộ kiểm soát chi được bố trí quản lý kiểm soát các khoản chi thường xuyên, chi đầu tư của đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, ban quản lý dự án từ khâu tiếp nhận hồ sơ giấy hoặc tiếp nhận hồ sơ điện tử trên dịch vụ công; kiểm soát hồ sơ; nhập yêu cầu thanh toán (bao gồm tất cả các khoản chi từ tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi, tài khoản tạm thu, tạm giữ của các đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức làm nhiệm vụ hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng); đối chiếu, xác nhận với các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư về các khoản đã kiểm soát thanh toán, chi trả; số dư còn lại của các nguồn vốn được giao kiểm soát chi. Nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; cán bộ kiểm soát chi, kế toán nhanh chóng ổn định, quen với quy trình nghiệp vụ mới, đảm bảo hoạt động thông suốt ngay từ ngày đầu triển khai. Các hồ sơ đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến đề nghị thanh toán đều được kiểm soát đảm bảo chặt chẽ, nhanh chóng và trong thời gian quy định. Sau gần 1 tháng thực hiện Ðề án, KBNN Ðiện Biên đã tiếp nhận, thanh toán 8.135 bộ hồ sơ (gồm 7715  bộ chứng từ chi thường xuyên và 420 bộ hồ sơ chi đầu tư).

Ðánh giá bước đầu triển khai thực hiện Ðề án, ông Trần Mạnh Hà khẳng định: Kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước vào một đầu mối theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên” khi thực hiện Ðề án đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong hoạt động giao dịch, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước với KBNN. Các đơn vị, khách hàng chỉ cần gửi hồ sơ đề nghị thanh toán đến một công chức làm nhiệm vụ kiểm soát chi của KBNN - nơi đơn vị mở tài khoản (bao gồm cả hồ sơ chi đầu tư và chi thường xuyên); đồng thời nhận lại kết quả từ chính công chức kiểm soát chi đó khi nộp hồ sơ. Ngoài ra, việc luân chuyển chứng từ chi ngân sách Nhà nước trong nội bộ KBNN (giữa kiểm soát chi và kế toán) được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và Kho bạc) nên có sự kiểm soát, giám sát của lãnh đạo đơn vị KBNN, đảm bảo việc xử lý hồ sơ, chứng từ được nhanh, kịp thời; nhiều khoản chi, nhất là các khoản chi thường xuyên, chi an sinh xã hội, chi bằng tiền mặt... theo đề nghị của đơn vị đã được xử lý ngay trong ngày.

Bên cạnh đó, việc tập trung nhiệm vụ kiểm soát các khoản chi ngân sách Nhà nước vào một đầu mối theo nguyên tắc “một cửa, một giao dịch viên” thuận lợi cho khách hàng, đơn vị sử dụng NSNN. Ðồng thời là cơ sở thuận lợi cho KBNN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mở tài khoản, giao nhận hồ sơ, thanh toán qua mạng; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ thủ hành chính, đơn giản hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi bằng cách giảm bớt và lồng ghép một số hồ sơ, chứng từ có cùng chỉ tiêu về chi thường xuyên và chi đầu tư thành một chứng từ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ chứng từ. Tạo tiền đề thuận lợi để KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ tháng 11/2017, tiến tới thực hiện kiểm soát chi điện tử theo đúng tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, chứng từ chi ngân sách Nhà nước qua hệ thống KBNN. Và khi thực hiện Ðề án tổ chức bộ máy của KBNN cấp huyện sẽ tinh gọn hơn vì không còn đơn vị cấp tổ, góp phần từng bước giảm dần số biên chế hiện có theo đúng chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top