Xua đi những hoài nghi

09:26 - Thứ Năm, 05/10/2017 Lượt xem: 7081 In bài viết
ĐBP - Vừa qua Công ty cổ phần Cao su Ðiện Biên đã chính thức công bố năng suất, chất lượng mủ cao su sau 2 tháng mở cạo. Sự kiện này đã bước đầu xua đi những băn khoăn, lo lắng, thậm chí hoài nghi của nhân dân về năng suất, chất lượng mủ cao su được bàn luận khá nhiều thời gian qua...

Năm 2008, lần đầu tiên người dân Ðiện Biên biết đến khái niệm trồng cây cao su với hy vọng cây cao su sẽ trở thành “cây mũi nhọn” đem lại cuộc sống ấm no hơn. Vì vậy đã có hàng nghìn hộ dân tham gia góp đất trồng cao su với Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên. Ðến nay, tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đã phát triển lên hơn 3.700ha.

 

Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên hướng dẫn người dân xã Na Sang (huyện Mường Chà) mở cạo cao su.

“Trồng cây chờ ngày hái quả”, đó là tâm thế chung của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Công ty cổ phần Cao su Ðiện Biên và những hộ dân góp đất trồng cao su. Theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thì cây cao su trồng trên đất hạng III như ở Ðiện Biên sẽ có thời gian sinh trưởng và phát triển 8 năm mới có thể cho thu hoạch. Thời gian trôi đi, cây cao su đã đủ năm, đủ tháng theo quy định nhưng kế hoạch về khai thác mủ lại liên tục bị lùi thời hạn nhiều lần khiến người dân băn khoăn, và nhất là có thông tin cao su ở một số địa bàn của các tỉnh: Sơn La, Lai Châu bị chặt hạ vì không có hoặc ít mủ càng khiến người dân lo lắng. Tại các các cuộc họp của các cấp chính quyền, cũng như các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh thì vấn đề được người dân quan tâm nhất vẫn là năng suất và chất lượng mủ cao su. Nhớ lại những ngày thấp thỏm chờ kế hoạch mở cạo mủ cao su, chị Cà Thị Nga, bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) cho biết: “Năm 2008, gia đình mình đã góp 6ha đất để trồng cao su. Theo quy định hết năm 2015 cây cao su đủ 8 năm sẽ mở cạo, nhưng đợi mãi vẫn không có thông tin gì về việc thu hoạch mủ khiến gia đình băn khoăn, lo lắng, bởi bao nhiêu đất sản xuất gia đình đã góp trồng cao su hết”.

Cuối năm 2016 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã bắt đầu mở cạo mủ hơn 40ha cao su tại 2 xã Mường Pồn và Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) được trồng từ năm 2008 và đến tháng 6/2017 Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên chính thức bắt đầu cạo mủ hàng loạt diện tích cao su năm đầu đưa vào khai thác. Nhân dịp 10 năm triển khai thực hiện dự án phát triển cao su (2007 - 2017) của ngành cao su Ðiện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên đã chính thức công bố năng suất, chất lượng mủ cao su cho người dân biết. Sau hơn 2 tháng (từ tháng 6/2017) chính thức khai thác mủ cao su trên 630ha, với sự chuẩn bị chu đáo cho công tác mở cạo, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thời gian cạo, đến nay Công ty đã thu được gần 159 tấn mủ khô (39% kế hoạch giao); năng suất và chất lượng mủ được cơ quan chức năng đánh giá đạt tiêu chuẩn của Tập đoàn Cao su Việt Nam. Có thể nói, những dòng nhựa trắng đầu tiên đó là thành quả sau bao năm tháng vất vả bạt núi, san đồi trồng cây. Anh Lò Văn Hưởng, bản Lĩnh, xã Mường Pồn, chia sẻ: “Mình đã tin tưởng nên góp hết đất để trồng cao su. Ðến nay Công ty đã mở cạo và công bố năng suất, chất lượng mủ cao su, nhà mình vui lắm. Dù chưa được hưởng phần trăm từ mủ cao su, nhưng sản lượng mủ thu được đã phần nào giúp người dân góp đất trồng cao su yên tâm và tin tưởng hơn vào cây cao su”.

Nói về kết quả cạo mủ của dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, ông Phan Văn Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cho biết: Theo tính toán, năng suất mủ cao su đạt 1,7 tấn/ha/năm; với giá bán trung bình là 50 triệu đồng/tấn thì mỗi héc ta cao su đạt 85 triệu đồng/năm, người dân được chia 10%, tương đương 8,5 triệu đồng/ha/năm. Khi hết thời kỳ khai thác, vườn cao su thanh lý sẽ cung cấp khối lượng lớn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và nhu cầu dân sinh của người dân. Giá trị mỗi héc ta vườn cao su thanh lý ước đạt từ 200 - 250 triệu đồng, người dân sẽ được hưởng 2 - 2,5 triệu đồng/ha. Việc mở cạo và công bố năng suất, chất lượng mủ cao su sẽ là bước đệm quan trọng cho dự án trồng và phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, sẽ đưa ra lời giải cho sự hoài nghi của nhiều người về việc phát triển cây cao su trên vùng biên giới của Tổ quốc, bởi vốn dĩ trước đây cây cao su được biết chỉ có thể trồng ở miền Nam có khí hậu nóng, ẩm. Theo kế hoạch, từ năm 2018 trở đi mỗi năm Công ty sẽ mở cạo từ 600 - 800ha cao su.

Việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cây cao su sẽ giải quyết được nhiều việc làm, ổn định đời sống dân sinh vùng dự án. Tuy nhiên, không thể chạy theo lợi nhuận mà phát triển ồ ạt, trong khi chưa có sự quy hoạch bài bản, khoa học. Song thực tế, những giọt “vàng trắng” đã thu được với năng suất và chất lượng không thua kém các địa bàn khác trong toàn quốc hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho cây cao su tỉnh ta. Một rừng cây, một đời người. Những cánh rừng cao su xanh tốt là kết tinh của bao mồ hôi, công sức và niềm hy vọng của hàng nghìn con người không quản nắng mưa bao năm vun trồng. Mong rằng mùa khai thác mủ cao su chính thức đầu tiên này sẽ là sự khởi đầu cho cuộc sống no ấm của người dân góp đất trồng cao su, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top