Khó phát triển cây chè ở Tủa Chùa

09:23 - Thứ Năm, 16/11/2017 Lượt xem: 6376 In bài viết
ĐBP - Chè được xác định là một trong những cây “xóa đói giảm nghèo” của huyện Tủa Chùa, nên nhiều năm qua, địa phương này đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ về cây giống, phân bón và hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật chăm sóc, chế biến nhằm mở rộng diện tích trồng chè; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao dây chuyền công nghệ, quảng bá sản phẩm chè Tủa Chùa tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, Dự án Phát triển vùng chè ở Tủa Chùa đang gặp nhiều khó khăn, bởi hiện nay nhiều hộ dân không chú trọng việc chăm sóc, phát triển cây chè nên nhiều diện tích không đạt tiêu chuẩn, không đủ điều kiện nghiệm thu.

Hiện nay, huyện Tủa Chùa có 577ha chè, trong đó 300ha chè kinh doanh, 8.400 cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Mục tiêu đề ra đến năm 2020 diện tích chè toàn huyện đạt 800ha. Tuy nhiên, chỉ tiêu này có nguy cơ khó thực hiện bởi hiện nay mặc dù huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ như: Cây giống, phân bón và hỗ trợ gạo đối với những diện tích chè đủ điều kiện nghiệm thu, nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa chú trọng chăm sóc, bảo vệ nên nhiều diện tích chè không đảm bảo về tốc độ sinh trưởng, không đủ điều kiện nghiệm thu. Giai đoạn 2011 - 2015, huyện Tủa Chùa trồng mới 162,14ha chè, với 450 hộ tham gia. Hàng quý, các cơ quan chuyên môn đều tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, là cơ sở để thanh toán, chi trả chế độ hỗ trợ gạo cho các hộ. Qua kiểm tra nghiệm thu, tính đến tháng 12/2016, diện tích chè trồng giai đoạn 2011 - 2015 hiện còn 96,8ha (với 358 hộ), giảm 65,3ha, đạt 59,7%. Năm 2016, huyện Tủa Chùa không trồng mới mà chỉ tập trung chăm sóc diện tích chè hiện có. Năm 2017, toàn huyện hỗ trợ 140.000 cây giống và 26 tấn phân bón để trồng 17,5ha chè (diện tích trồng mới năm 2017 chưa nghiệm thu).

 

Người dân xã Tả Sìn Thàng thu hái chè.

Xã Sín Chải là địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện Tủa Chùa, với trên 100ha và khoảng 4.000 cây chè cổ thụ. Những cây chè cổ thụ đã gắn bó với bà con nơi đây qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn không ngừng cho những búp chè tươi xanh, giúp bà con có thêm thu nhập. Ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải cho biết: Hàng năm, xã đều được giao chỉ tiêu; hỗ trợ người dân cây giống để mở rộng diện tích chè. Khi triển khai thực hiện, người dân tham gia nhiệt tình và xã luôn hoàn thành chỉ tiêu nhưng qua vài lần các cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiệm thu thì nhiều diện tích không đủ điều kiện nghiệm thu. Nguyên nhân do phần lớn các hộ tham gia đều thuộc diện nghèo, sau khi sử dụng hết lượng phân bón được hỗ trợ, bà con không đủ điều kiện để mua phân bón chăm sóc chè theo đúng quy trình. Cùng với đó, các diện tích chè trồng mới ít được trông coi, bảo vệ nên thường bị gia súc phá hoại, tỷ lệ sống đạt thấp.

Năm 2014, gia đình ông Thào A Thù, thôn Trung Hồ Vua, xã Sín Chải tham gia Dự án phát triển vùng chè Tủa Chùa với 1.000m2 chè. Sau gần 3 năm, hiện nay, phần lớn diện tích chè của gia đình ông Thù đã chết, diện tích cây sống thì còi cọc, không phát triển. Ông Thào A Thù cho biết: Khoảng 1 - 2 năm đầu, gia đình vẫn mua phân bón và bỏ công chăm sóc bảo vệ. Nhưng từ năm 2016 đến nay, điều kiện gia đình khó khăn nên ít chăm sóc, bảo vệ, cho vậy diện tích chè trồng năm 2014 không phát triển đúng theo quy trình. Cuối năm 2016, cơ quan chuyên môn của huyện đi kiểm tra, nghiệm thu, vuờn chè của tôi không đủ điều kiện nghiệm thu và gia đình cũng bị cắt hỗ trợ gạo.

Không chỉ xã Sín Chải, tình trạng này cũng xảy ra với 3 xã còn lại của Dự án Phát triển vùng chè Tủa Chùa (Sính Phình, Tả Phìn và Tả Sìn Thàng). Dọc 2 bên đường từ thôn Háng Ðề Dê 1, 2 về trung tâm xã Sính Phình, có nhiều diện tích chè của người dân được trồng trong giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, phần lớn các đồi chè này đều không còn đảm bảo đúng khoảng cách, tỷ lệ cây. Một số diện tích chè, người dân ít quan tâm, chăm sóc để cỏ mọc cao hơn cây chè. Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 100ha chè. Hàng năm, xã vẫn tổ chức vận động người dân tham gia trồng mới, mở rộng diện tích chè theo chủ trương của huyện. Qua nhiều năm triển khai, nhìn chung những diện tích chè trồng mới chưa mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho người dân. Diện tích chè sau nghiệm thu giảm theo các năm; nhiều hộ đã bỏ hẳn, không chăm sóc, bảo vệ hoặc phá đi trồng cây khác. Mặc dù, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng điều kiện các hộ khó khăn không theo được nên đành chịu.

Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Qua theo dõi, đánh giá, tốc độ sinh trưởng, phát triển của cây chè trồng giai đoạn 2011 - 2015 còn chậm. Ðối với những diện tích trồng năm 2011 - 2012, về lý thuyết, đến nay đã hết giai đoạn kiến thiết cơ bản, chuyển sang chu kỳ kinh doanh, thu hái cho sản lượng ổn định. Tuy nhiên, thực tế đa phần diện tích này, cây chè chỉ cao từ 40 - 70cm, số lượng búp thực thu ít, lượng búp chè mù nhiều… Nhiều diện tích chè tại các thôn: Páo Tỉnh Làng 1, 2 (xã Tả Sìn Thàng); Háng Ðề Dê 2 (xã Sính Phình); Mảng Chiềng, Cáng Tỷ (xã Sín Chải); tả Phìn, Là Xa (xã Tả Phìn) cây chè còi cọc, chậm phát triển không đủ điều kiện nghiệm thu hỗ trợ theo quy định.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều diện tích chè trồng mới ở Tủa Chùa không hiệu quả: Một số bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có ý thức quản lý, bảo vệ. Diện tích đất chuyển đổi sang trồng chè chủ yếu là đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng mất nhiều chi phí cải tạo đất trong khi các hộ tham gia chủ yếu là hộ nghèo… Cây chè là cây công nghiệp dài ngày, đòi hỏi quy trình chăm sóc, bảo vệ chặt chẽ. Thiết nghĩ, để phát huy hiệu quả những diện tích chè trồng mới, huyện Tủa Chùa cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức người dân, để người dân “vững chí, bền lòng” chăm sóc, bảo vệ cây chè. Có như vậy, mới tăng tỷ lệ sống, tăng diện tích chè đủ điều kiện nghiệm thu và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng chè.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top