Nâng giá trị cà phê từ khâu thu hái

09:29 - Thứ Sáu, 17/11/2017 Lượt xem: 7208 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Ảng hiện có 3.309ha cây cà phê. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ trồng 4.200ha. Ngoài việc tích cực chuẩn bị các bước để xây dựng thương hiệu, tạo chỗ đứng về thị trường và nâng giá trị kinh tế cho cà phê Mường Ảng đòi hỏi người trồng cà phê phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hái đến bảo quản. Thu hái cà phê được coi là một trong những khâu tuy không khó nhưng làm sao hái đúng kỹ thuật để nâng cao giá trị chất lượng và sản lượng đang là vấn đề nan giải mà Hội Cà phê Mường Ảng cũng như người trồng cà phê đau đầu tìm lời giải.

 

Người dân thu hái cà phê tại xã Ẳng Nưa.

Giống cà phê được trồng chủ yếu ở Mường Ảng 100% là Arabica (cà phê chè). Không giống như cà phê Robusta (cà phê vối), khi quả chín chỉ thu hoạch một lần và chế biến khô. Cây cà phê Arabica quả chín không đều nên phải thu hái làm nhiều đợt, do vậy mất khá nhiều công và đòi hỏi người hái phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định, như: chỉ hái quả chín (không nẫu, không ương, không xanh). Tuy nhiên để hái cà phê đạt tiêu chuẩn như vậy rất khó thực hiện, bởi năng suất lao động thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Mặt khác, nếu tăng giá thu hái để đảm bảo thu nhập cho người lao động thì sẽ “đội” chi phí cho các chủ vườn. Do vậy, các tiểu thương, đối tác thu mua đã đặt ra một quy định tương đối đó là tỷ lệ quả nẫu không quá 5%, quả xanh, non không quá 5%. Quy định như vậy nhưng nhiều chủ vườn khi nghiệm thu sản phẩm vẫn dở khóc dở cười vì người lao động hái không đúng kỹ thuật nên có khi tỷ lệ quả không đạt lên tới 30 - 50%...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Tạ Mạnh Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Ảng cho biết: Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, cứ đến mùa thu hái cà phê lại xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động. Ðiều đó được lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là do khi diện tích cà phê tăng lên nhanh chóng thì nguồn lao động địa phương không thể đáp ứng đủ, đặc biệt là vào thời điểm thu hoạch. Mặt khác, mùa thu hoạch cà phê trùng với thời điểm người dân địa phương thu hoạch lúa nên người lao động có kinh nghiệm tham gia hái cà phê cũng giảm đáng kể… Vì vậy, rất nhiều lao động từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến Mường Ảng hái cà phê thuê. Nguồn lao động này không ổn định nên rất khó quản lý. Trong điều kiện thiếu hụt lao động như vậy xảy ra tình trạng người dân hái ẩu, hái không đúng kỹ thuật dẫn đến việc tỷ lệ quả xanh, quả nẫu cao và tỉ lệ quả rơi rụng nhiều… Tất cả những lý do ấy đều dẫn đến hậu quả là giá trị cà phê giảm, thậm chí có những lứa cà phê không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng, chế biến cà phê.

Ông Nguyễn Ðức Lợi, Chủ tịch Hội Cà phê Mường Ảng cho biết: 1kg cà phê hái lúc xanh mà để đến khi chín thì sẽ tăng được 1,5 - 2 lần năng suất. Mặt khác, hái cà phê đúng cách thì ngoài việc chọn hái quả chín còn cần phải hái theo kỹ thuật xoay cuống để cành không bị tổn thương, nghĩa là phần phân hóa mầm hoa không bị tuốt đi. Tuy nhiên, hiện nay đa số người hái cà phê vẫn hái theo cách tuốt cành dẫn đến thực trạng phần cành bị tổn thương vĩnh viễn không thể ra hoa. Ðó cũng là cách lý giải của Chủ tịch Hội Cà phê Mường Ảng về tình trạng chưa bao giờ cà phê ở Mường Ảng được mùa 2 vụ liên tiếp cho dù thời tiết và các yếu tố khác đều thuận lợi.

Như vậy có thể thấy, việc hái cà phê không đúng kỹ thuật dẫn đến hàng loạt các hệ lụy, thiệt hại cho người trồng và trực tiếp ảnh hưởng đến việc xây dựng “thương hiệu”, chất lượng cà phê Mường Ảng. Ðể duy trì và phát triển cà phê bền vững, chính quyền địa phương và Hội Cà phê Mường Ảng cần có những giải pháp đồng bộ, tuyên truyền, hướng dẫn để người lao động nắm bắt kỹ thuật, nâng cao ý thức trong quá trình thu hái, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top