Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn

“Chìa khóa” giảm nghèo nhanh, bền vững

10:04 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 9281 In bài viết
ĐBP - Mường Nhé là một trong những huyện nghèo nhất cả nước với nhiều dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, điều kiện đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn... Song những năm qua, nhờ được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: Sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách cán bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là chính sách dạy nghề gắn với tạo việc làm theo Nghị quyết 30a đã giúp người lao động trên địa bàn huyện nâng cao tay nghề, có thêm nguồn thu nhập. Từ đó, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững...

Thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, huyện Mường Nhé đã mở 84 lớp dạy nghề cho 2.905 lao động nông thôn. Hầu hết các nghề đào tạo đều gắn với nhu cầu thực tiễn và điều kiện của học viên, tập trung vào một số nghề, như: Kỹ thuật trồng trọt, trồng rừng và khai thác rừng trồng, trồng rau an toàn; kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, lợn; kỹ thuật trồng nấm; kỹ thuật xây dựng, hàn cơ khí, lắp đặt và sửa chữa điện nước sinh hoạt... Ðiều đáng nói, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo của huyện đạt cao (chiếm trên 85%) chủ yếu là các nghề nông nghiệp. Mỗi năm, huyện tập trung giải quyết việc làm mới cho 500 - 600 lao động. 7 năm qua, huyện đưa 32 lao động đi làm việc tại nước ngoài, hơn 70 lao động đi làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ngoài tỉnh.

 

Giáo viên Trung tâm Dạy nghề huyện Mường Nhé hướng dẫn học viên đào hố trồng rừng.

Hơn 8 năm trước, gia đình ông Khoàng Văn Phánh là một trong những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé. Nhờ được tham gia lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc do huyện tổ chức ông đã mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng và người thân đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình trang trại VAC. Ngoài chăn nuôi trâu sinh sản, lợn thịt, ông còn đào gần 1ha ao nuôi cá thương phẩm kết hợp với trồng 1ha cây ăn quả các loại, như: Cam, bưởi, vải, xoài, chuối… Nhờ vận dụng kiến thức chăm sóc đàn gia súc và phát triển vườn cây ăn quả, gia đình đình ông Phánh đã vươn lên thoát nghèo. Giống như gia đình ông Phánh, trước đây gia đình ông Vàng Văn Rơi, bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm cũng phải chạy ăn từng bữa. Nhờ tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò và vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mường Nhé, ông đã đầu tư nuôi trâu sinh sản, lấy sức kéo để khai hoang ruộng trồng lúa nước, nương ngô kết hợp với nuôi lợn thịt, gia cầm để tăng thu nhập. Nhờ chịu khó sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, gia đình ông từng bước thoát nghèo vươn lên thành hộ có thu nhập khá. Gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố, có vốn đầu tư mua thêm máy móc phục vụ sản xuất...

Ðánh giá về hiệu quả chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong thời gian qua, ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Nhé, cho biết: Chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã giúp người lao động nâng cao nhận thức, ý thức về việc học nghề để vận dụng vào thực tiễn sản xuất tại địa phương, tạo việc làm, giảm bớt thời gian nông nhàn, tăng thu nhập cho người lao động. Giúp người lao động có cách nhìn mới trong sản xuất cây trồng, vật nuôi, đa dạng ngành nghề, tận dụng tài nguyên đất và các điều kiện sẵn có để ứng dụng kiến thức đã học vào sản xuất, thay đổi cách nghĩ và lối làm ăn cũ nâng cao hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn khoảng 68,5% vào cuối năm 2017 (theo chuẩn nghèo đa chiều). Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện sẽ nắm chắc nhu cầu học nghề của người lao động, gắn dạy nghề vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để công tác dạy nghề đạt hiệu quả. Huy động sự tham gia của các phòng, ban liên quan, các doanh nghiệp trong việc tổ chức dạy nghề, lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa; tăng cường công kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực hiện...

Bài, ảnh: Ðức Linh
Bình luận
Back To Top