Chuyện về cây chè Pháp trong rừng sâu Pa Tần

10:10 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 9950 In bài viết
ĐBP - Trong một chuyến công tác tại các bản vùng sâu, xa của xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), tôi được thưởng thức một loại chè rất ngon mà bà con nơi đây gọi là chè Pháp. Tò mò về tên gọi, màu sắc, hương vị của loại chè này, tôi được người dân cho biết: Hiện nay, trong rừng sâu của xã Pa Tần vẫn còn lưu giữ những dấu tích của thời Pháp thuộc với con đường được mở qua khu vực này và những cây chè do lính Pháp trồng từ thế kỷ trước giờ đã thành cổ thụ.

“Con đường chè”

Từ trung tâm xã Pa Tần, chúng tôi ngược dốc hàng chục cây số về các bản vùng sâu như: Huổi Púng, Huổi Tre, Nậm Thà Nà, Pa Tần để tìm hiểu về cây chè Pháp. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tìm thông tin thực hiện bài viết này bởi vì các già làng biết rõ về con đường và nguồn gốc cây chè hầu hết đã mất. Về đến bản Pa Tần, chúng tôi may mắn gặp được cụ Lường Văn Sin, 90 tuổi - người từng được đi trên con đường Pháp mở ngày xưa. Cụ Lường Văn Sin kể lại: Trước những năm 1920 của thế kỷ XX, bố tôi cùng nhiều trai tráng trong vùng được gọi đi đào đường, vận chuyển lương thực cho Tây (cách gọi lính Pháp). Ngày đó, đây là con đường chiến lược để ngựa thồ hàng hóa, lương thực, súng đạn, cũng là nơi để quân Pháp rút lui qua nước Lào. Ở địa phận của xã Pa Tần, con đường bắt đầu từ đồi Pom Lung kéo dài qua các bản Nậm Thà Nà, Huổi Tre, Huổi Púng lên tận xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) rồi sang tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Quá trình làm đường, người Pháp đã mang theo một loại chè trồng 2 bên đường và các điểm nghỉ chân. Từ đó, người dân quen gọi con đường này là “con đường chè”.

 

Người dân bản Huổi Púng thu hái chè Pháp.

Qua lời kể của cụ Lường Văn Sin, chúng tôi nhờ một người dân thông thuộc đường rừng dẫn đi tìm con đường chè. Gần 1 thế kỷ trôi qua, nhưng những dấu tích của con đường này vẫn còn nguyên vẹn. Ðường rộng khoảng 1,5m, mái taluy dương có nơi cao chỉ 2m. Ðiều ngạc nhiên là con đường được đào uốn lượn qua những ngọn núi cao nhưng rất bằng phẳng, hiếm lắm chúng tôi mới gặp đoạn dốc. Ðứng ở đây có thể quan sát được hết địa phận của bản Huổi Tre, Huổi Púng, Nậm Thà Nà thuộc xã Pa Tần và bản Huổi Tang của xã Nậm Tin. Theo chia sẻ của người dẫn đường, con đường này vẫn được người dân 2 bản: Huổi Tre, Huổi Púng sử dụng để vận chuyển hàng hóa nên mới không bị cây cỏ, dây leo che lấp.

Hiện nay, 2 bên đường không còn sót lại cây chè nhưng tại bản Nậm Thà Nà vẫn còn những điểm được người dân địa phương gọi với cái tên “Săn Che” (nghĩa là đồi chè). Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ còn lác đác vài gốc chè cổ thụ. Theo một số người cao tuổi: Trước năm 1998, bản Nậm Thà Nà chưa có dân sinh sống thì đồi chè vẫn còn rất nhiều cây chè cổ thụ. Sau đó, người dân về sống tập trung đã phá đồi chè để lấy đất dựng nhà. Những cây chè hiện nay là cây mọc lên từ gốc đã bị chặt.

Nâng cấp đường, nhân rộng cây chè Pháp

Khi huyện Nậm Pồ đầu tư dự án mở mới đường vào 2 bản: Huổi Tre, Huổi Púng của xã Pa Tần, “con đường chè” được mở rộng để phục vụ người dân. Tuyến đường dài trên 7km, mặt đường rộng 2m, bề rộng nền đường 3m. Tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình 135. Con đường được mở mới kết nối 2 bản Huổi Tre, Huổi Púng với trung tâm xã và các bản vùng ngoài. Người dân thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế; học sinh đến lớp có thể về trong ngày.

Anh Thào A Chu, Trưởng bản Huổi Tre cho biết: Con đường mong ước của người dân 2 bản: Huổi Tre, Huổi Púng bấy lâu đã thành hiện thực. Nhờ có con đường này mà cuộc sống bà con đã khá hơn. Trẻ em được đến trường, nhiều hộ trong bản đầu tư mua tivi, xe máy. Chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Có đường vào bản, chè Pháp được bà con giới thiệu nhiều hơn, một số hộ còn hái mang ra trung tâm bán.

Hiện nay, xã Pa Tần có hơn 500 gốc chè Pháp nằm rải rác ở các bản: Nậm Thà Nà, Pa Tần, Huổi Sâu, Huổi Tre, Huổi Púng. Những cây chè gần nhà được người dân chăm sóc, cắt tỉa nên thường xuyên có búp chè non để hái. Hiện nay, các khóm chè ở bản chỉ cao khoảng 2m, lá chè tươi có bề rộng 3 - 5cm, dài 6 - 8cm. Còn ở rừng sâu, người dân ít khi lui tới vẫn còn nguyên những cây chè cổ thụ. Cụ Lường Văn Sin cho biết: Ðể có ấm chè thơm ngon thì phải hái những búp chè non, phơi khô. Trước khi pha chè thì nên hơ qua lửa (hoặc sao qua chảo) để chè được thơm. Loại chè này có đặc tính thơm, nước xanh, không để lại váng chè dính trên cốc chén. Người dân địa phương thường xuyên hái lá chè đun nước tắm cho trẻ nhỏ.

Theo bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần: Từ năm 2011 đến nay, xã tập trung khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng và lâm sản phụ dưới tán rừng để người dân hưởng lợi từ rừng. Nhận thấy tiềm năng từ cây chè Pháp, xã đã cử cán bộ khuyến nông ươm giống chè để sắp tới nhân rộng mô hình toàn xã. Còn những cây chè mọc rải rác ở trên địa bàn, xã tiếp tục vận động người dân khoanh nuôi bảo vệ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top