Phát huy thế mạnh vùng đất nông nghiệp

10:14 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8637 In bài viết
ĐBP - Là huyện “em út” của tỉnh, sau 5 năm đi vào hoạt động, huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong đó, ngành Nông nghiệp đóng góp một phần rất quan trọng đưa kinh tế Nậm Pồ đi lên. Việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường, hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung được xem là nhiệm vụ then chốt của huyện trong những chặng đường sắp tới.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, chúng tôi có dịp trở lại Chà Nưa, xã “điểm” về xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Pồ. Trải qua những tháng ngày phấn đấu bền bỉ, với sự “đồng cam cộng khổ” của nhân dân với Ðảng bộ và chính quyền, bộ mặt nông thôn mới Chà Nưa đã có nhiều đổi thay; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13%, xã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Khoe với chúng tôi về những thành tựu đạt được, Bí thư Ðảng ủy Khoàng Văn Van, khẳng định: “Ðể đạt được những kết quả trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, ngoài sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước về cơ sở hạ tầng, đường giao thông… thì ngành Nông nghiệp đóng góp một phần rất quan trọng”. Ðặc biệt, với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai thuận lợi, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đưa giống mới vào trồng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nên đạt được nhiều hiệu ứng thiết thực, góp phần nâng mức thu nhập lên trên 450kg/người/năm.

 

Người dân bản Mới I, xã Chà Cang sử dụng máy móc hiện đại cho sản xuất nông nghiệp.

Là huyện vùng cao, biên giới, kinh tế nông - lâm nghiệp đóng vai trò “chủ đạo” trong cơ cấu kinh tế, vì vậy, Nậm Pồ xác định phải tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Ðể hiện thực hóa các chủ trương vào thực tiễn đời sống, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (năm 2017, huyện hỗ trợ 3.887,2kg giống lúa các loại cho 1.132 hộ với tổng diện tích 122,4ha; thực hiện Nghị quyết 30a huyện phân bổ 6.690 triệu đồng cho 15/15 xã để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất...). Bên cạnh việc tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, thì các mô hình được triển khai còn trực tiếp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi dần tập quán canh tác cũ của nông dân. Trên cơ sở điều kiện sẵn có của tự nhiên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, huyện xác định trước hết phải đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt công trình thủy lợi được xem là yếu tố “tiên quyết”. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 65 công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Ðồng thời, huyện tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Từ đó, hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như: lúa nước ở các xã Nà Hỳ, Chà Cang… Ðặc biệt, huyện đã xây dựng 2 mô hình trồng sa nhân thí điểm tại xã Nậm Khăn và Nà Bủng; sau 3 năm triển khai mô hình tại Nậm Khăn cho thu hoạch bói ước đạt 200kg quả tươi; góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 18.262 tấn; lương thực có hạt bình quân ước đạt 357,25kg/người/năm.

Ðối với phát triển chăn nuôi, huyện đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 04 - NQ/HU về “Chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025”, nhiều xã đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung; người dân bước đầu đã chuyển hình thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng bền vững; từ đó góp phần nâng tổng đàn gia súc ước đạt 62.957 con (19.648 con trâu; 4.250 con bò; 39.059 con lợn). Ðể phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững, huyện còn khuyến khích, có chính sách hỗ trợ người dân trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn xanh, với tổng diện tích trên 40ha. Phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020, chăn nuôi đóng góp trên 45% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp; duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc bình quân trên 4%/năm, gia cầm đạt 7%/năm; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc đạt 60ha. Ngoài đẩy mạnh hình thành các mô hình sản xuất, để tìm “đầu ra” cho nông sản, huyện tích cực xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; yêu cầu chính quyền các xã quan tâm mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, tiểu thương trong và ngoài khu vực đến thu mua nông sản của bà con.

Phát huy những thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp, tin rằng đó sẽ là “tiền đề” vững chắc để Nậm Pồ tiến lên trong nền kinh tế hội nhập. Từ đó, tạo thêm phương thức sản xuất mới, hình thành các vùng kinh tế chuyên canh nông nghiệp.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top