Vốn viện trợ Phi Chính phủ nước ngoài

Tiếp sức cho địa phương

10:51 - Thứ Ba, 06/02/2018 Lượt xem: 8733 In bài viết
ĐBP - 12,775,518 USD là tổng giá trị viện trợ Ðiện Biên đã được các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN) hỗ trợ để triển khai thực hiện hàng chục dự án trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua (2013 - 2017). Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nguồn vốn hỗ trợ này đã góp phần tiếp sức để Ðiện Biên hoàn thành các chương trình xoá đói giảm nghèo, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trong những năm qua. Ðiều đặc biệt, những dự án này vẫn có khả năng duy trì kết quả bền vững ngay cả khi đã kết thúc hoạt động nên cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân vùng dự án.

Chúng tôi vào bản Co Thón, xã Pá Khoang (huyện Ðiện Biên) đúng lúc Takayuki Namura - Chuyên gia quản lý rừng bền vững phụ trách 4 tỉnh (Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và anh Mạc Văn Vững - Ðiều phối viên Dự án Hỗ trợ Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững do Jica hỗ trợ tại Ðiện Biên cùng với một nhóm khoảng hơn 20 hộ dân đang tập trung tại khu vực trồng rừng đầu bản. Vừa dẫn chúng tôi vào nơi đang triển khai trồng rừng, anh Vững vừa kể, đến hôm nay đúng tròn gần nửa tháng anh bám bản cùng bà con thực hiện dự án. Còn ông Takayuki Namura chia sẻ với chúng tôi trong lúc giải lao thông qua phiên dịch, ông nói: Bản thân tôi cũng ngạc nhiên và rất phấn khởi vì so với lần tiếp xúc đầu, các chị thay đổi rất nhiều. Không chỉ mạnh dạn trong giao tiếp mà chị em còn rất linh hoạt và biết sử dụng kinh phí hỗ trợ vào cải thiện kinh tế, nâng cao dần thu nhập cho gia đình. Ðược biết từ tháng 6/2016 đến nay, đoàn dự án Jica đang tiếp tục triển khai về quản lý hướng dẫn bảo vệ rừng và cách nuôi trồng rừng nguyên sinh tại xã Mường Phăng và Pá Khoang. Ðây là khu vực có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp nên ngoài hướng dẫn người dân quản lý và bảo vệ rừng, dự án còn triển khai các mô hình phát triển sinh kế bền vững, như: trồng rau, sử dụng bếp Lào, nuôi cá… Nội dung hỗ trợ thiết thực, phù hợp và điều quan trọng là quá trình triển khai điều phối viên sát sao, đồng hành cùng người dân, cầm tay chỉ việc cụ thể nên dự án được sự đồng thuận lớn của người dân.

 

Cán bộ Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững hướng dẫn người dân xã Pá Khoang (huyện Ðiện Biên) trồng cây.

Ngoài Jica, hiện nay toàn tỉnh còn gần 20 tổ chức PCPNN đang thực hiện 24 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, nông - lâm nghiệp, an sinh xã hội, tập trung chủ yếu ở các xã nghèo, khó khăn thuộc các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên, Mường Chà và Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ. Từ năm 2013 đến nay, các tổ chức PCPNN đã viện trợ Ðiện Biên thông qua các dự án triển khai tại tỉnh gần 13 triệu USD. Riêng trong năm 2017 là 2.364.000USD, đã hỗ trợ địa phương rất lớn trong việc giảm bớt các khó khăn, góp phần đáng kể trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng thụ hưởng. Nhiều tổ chức có nguồn trài trợ lớn và thực hiện hiệu quả, như: Tổ chức Tầm nhìn thế giới, Cứu trợ trẻ em của Anh, Trẻ em Rồng xanh của Úc, Chăm sóc mắt hoà nhập cộng đồng (CBM) của Ðức hay Dự án Hỗ trợ kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (Jica) của Nhật Bản… Ðể nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ và phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương các chương trình, dự án đều tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên vận động thu hút, như: y tế, giáo dục, nông - lâm ngư nghiệp và phát triển nông thôn

Dự án Nâng cao chất lượng cho phụ nữ dân tộc thiểu số (EMWM) do tập đoàn USA và Công ty Experian của Chính phủ Úc tài trợ triển khai tại xã Hua Thanh, Mường Phăng, Pá Khoang và Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) cũng được ghi nhận là dự án đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi lớn từ tư duy đến cách quản lý kinh tế, tăng thêm nguồn thu cho gia đình đối tượng thụ hưởng. Ngoài hướng tới nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số, dự án còn triển khai mô hình tiết kiệm vay vốn cho thôn, bản, hỗ trợ kỹ thuật vật nuôi con giống, máy móc và tập huấn kỹ thuật… Với những hiệu quả thiết thực đạt được, phù hợp điều kiện thực tế đến năm 2016, dự án tiếp tục được mở rộng ra 4 xã nữa là: Nà Nhạn, Nà Tấu, Noong Hẹt và Núa Ngam. Tính đến nay, tổng số tiền thực hiện là 128.000USD và có gần 2.500 phụ nữ dân tộc thiểu số được thụ hưởng.

 

Người dân xã Pá Khoang (huyện Ðiện Biên) tham gia lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong mật.

Lĩnh vực mà Ðiện Biên nhận được sự viện trợ rất lớn của các tổ chức PCPNN trong những năm qua là y tế. Giai đoạn 2013 - 2017, ngành Y tế tỉnh đã tiếp nhận và tổ chức thực hiện 7 chương trình/dự án phi Chính phủ với tổng kinh phí 2.307.387,39USD. Ðể nâng cao hiệu quả vốn viện trợ, ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở Ngoại vụ - đơn vị thường trực và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng lĩnh vực được hỗ trợ. Ðồng thời, chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai lồng ghép hiệu quả giữa nguồn lực hỗ trợ của chương trình, dự án PCPNN với các chương trình mục tiêu do ngành quản lý để thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn theo từng năm và giai đoạn. Các dự án đầu tư đều dựa trên nhu cầu thực tế của ngành, nên các hoạt động khi triển khai đã tháo gỡ được nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí đào tạo nhân lực, thiếu hụt trang thiết bị hoạt động chuyên môn. Do đó, đây là nguồn lực góp phần để ngành Y tế hoàn thành các mục tiêu bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn.

Việc triển khai các chương trình, dự án PCPNN đã giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận các hoạt động chăm sóc sức khoẻ thuận tiện, nhất là được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ngay từ tuyến xã (khám mắt, xét nghiệm HIV, điều trị thuốc ARV, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone…). Cán bộ y tế tuyến cơ sở được nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng giám sát hỗ trợ kỹ thuật của tuyến trên. Nhận thức của đồng bào dân tộc vùng dự án được nâng lên, các chỉ số về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Dù là một trong những tỉnh thành phát hiện có người nhiễm HIV muộn trong cả nước, song chỉ không đầy 10 năm Ðiện Biên đã nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất với tốc độ lây lan nhanh chóng. Do tỷ lệ nhiễm HIV cao nên Ðiện Biên giành được sự quan tâm và nguồn vốn viện trợ khá lớn ưu tiên cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại 100% số xã trong toàn tỉnh. Ðặc biệt thời điểm năm 2013, cùng với các nguồn vốn khác, nguồn vốn viện trợ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong đó tập trung phần lớn cho việc thành lập các cơ sở điều trị methadone, phòng khám điều trị HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây truyền mẹ con…

Giai đoạn 2016 - 2020 với nhu cầu viện trợ PCPNN khoảng 4 triệu USD mỗi năm, Ðiện Biên tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức PCPNN triển khai các chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Chính vì vậy, ngoài việc tích cực vận động các tổ chức PCPNN, đặc biệt là các tổ chức có uy tín, tiềm lực, tiêu chí phù hợp đến khảo sát, tìm hiểu lĩnh vực tài trợ, Ðiện Biên sẽ quan tâm kịp thời xử lý và hỗ trợ các tổ chức PCPNN gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án tại tỉnh. Một mặt sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và có chính sách đãi ngộ hợp lý, chế độ khen thưởng kịp thời với các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tuyên truyền vận động, thu hút viện trợ PCPNN. Mặt khác sẽ bố trí kịp thời vốn đối ứng cho các dự án PCPNN mà tỉnh đã ký cam kết với các nhà tài trợ.

Bài, ảnh: An Biên
Bình luận
Back To Top