Xóa đói giảm nghèo bền vững ở Nậm Pồ

08:53 - Thứ Năm, 19/04/2018 Lượt xem: 8709 In bài viết
ĐBP - Là huyện mới thành lập còn nhiều khó khăn, song những năm gần đây, kinh tế - xã hội huyện Nậm Pồ đã ngày càng khởi sắc, diện mạo nông thôn đổi mới. Ðặc biệt, công cuộc giảm nghèo bền vững ở Nậm Pồ đã và đang đạt được những kết quả khả quan. Nhiều cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả đã giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo. Theo báo cáo của UBND huyện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 72,09% (năm 2015) xuống còn 63,39% (năm 2017).

Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua, huyện Nậm Pồ tập trung triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về Giảm nghèo bền vững, như: Chương trình 30a, Chương trình 135/CP, Chương trình MTQG về Xây dựng nông thôn mới. Trong 2 năm (2016 - 2017), huyện Nậm Pồ đã huy động được 625,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn. Trong đó, ngân sách Trung ương 155,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương 17,4 tỷ đồng; xã hội hóa 4,5 tỷ đồng; cho vay tín dụng: 444 tỷ đồng và huy động hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức nước ngoài 4, 5 tỷ đồng. Huyện Nậm Pồ đã sử dụng lồng ghép hiệu quả nguồn vốn đó để đầu tư hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ đời sống và sinh kế ổn định dân cư.

 

Người dân bản Tàng Do, xã Nậm Tin chăm sóc rau.

Bà Bùi Thu Hằng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nậm Pồ cho biết: Những năm qua, các xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành tốt mục tiêu Nghị quyết của Huyện ủy đề ra là: Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4 - 5%/xã/năm. Không những vậy, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng một số xã như: Chà Cang, Chà Nưa và Pa Tần đã tự tổ chức các mô hình giảm nghèo cho người dân mang lại hiệu quả kinh tế khá, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Năm 2017, xã Chà Nưa giảm gần 20% hộ nghèo; xã Chà Cang giảm 12% và Pa Tần giảm gần 10%. Hiện nay, huyện Nậm Pồ đã tổ chức nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả của 3 xã trên đến tất cả những xã còn lại.

Năm 2017, thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về giảm nghèo của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã Chà Cang đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức xây dựng 6 mô hình phát triển kinh tế dựa trên lợi thế của từng thôn, bản để giúp người dân thoát nghèo. Tiêu biểu các mô hình: Phát triển các sản phẩm mây tre đan, trồng nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi lợn rừng, vịt sinh học. Ông Lò Văn Kiên, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Cang cho biết: Khi xã Chà Cang trình bày kế hoạch thực hiện các mô hình kinh tế tại cuộc họp Ban Chấp hành Huyện ủy với mong muốn huyện có thể hỗ trợ kinh phí để thực hiện. Nhưng UBND huyện trả lời, không có nguồn để hỗ trợ, nếu xã tự triển khai được thì UBND huyện sẽ cho các phòng chuyên môn xuống hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Xác định triển khai các mô hình này là cần thiết, là bước đệm để xã Chà Cang hoàn thiện 2 tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo vào năm 2020 nên cấp ủy, chính quyền xã quyết tâm triển khai. Ðầu tiên Ðảng ủy xã chỉ đạo tổ chức các cuộc họp bản, triển khai kế hoạch đến người dân. Chủ trương được người dân đồng thuận cao, các thôn, bản thành lập 1 tổ sản xuất để tham gia các mô hình. Sau đó, UBND xã trích nguồn kinh phí 10 - 15 triệu đồng tổ chức mô hình điểm dưới sự hướng dẫn của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện. Năm 2017, xã Chà Cang tổ chức được 6 mô hình: trồng nấm, trồng rau an toàn, sản phẩm mây tre đan và nuôi lợn, vịt sinh học. Ðến nay, các mô hình vẫn được duy trì và phát triển tốt. Trong đó, thành công và hiệu quả rõ nhất là mô hình rau an toàn. Sau mô hình điểm, đến nay, mỗi thôn, bản đều duy trì 2ha rau an toàn. Số lượng rau bà con sản xuất ra qua sự kết nối của UBND xã được bán cho các nhà trường, trung tâm y tế và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn xã. Ðể giúp người dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông sản, xã Chà Cang kết nối với các đơn vị tiêu thụ, đồng thời đầu tư xây dựng chợ phiên Chà Cang họp vào các ngày 5, 15 và 25 hàng tháng để người dân mua bán các sản phẩm nông sản. Năm nay, xã Chà Cang tiếp tục trích  tiền ngân sách địa phương để xây dựng nhà trưng bày sản phẩm nông sản của xã tại trung tâm ngã 3 Chà Cang.

Khác với Chà Cang, xã Chà Nưa có điều kiện thuận lợi hơn, 8/9 bản của xã Chà Nưa là bản vùng thấp, bám dọc quốc lộ 4H nên cách giảm nghèo ở Chà Nưa cũng khác hơn. Trước tiên là tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách của Nhà nước cho người dân 8 bản vùng thấp. Kết quả, năm 2017, xã Chà Nưa đã vận động được 36 hộ tự nguyện xin thoát nghèo. Sau đó, xã Chà Nưa tập trung mọi nguồn lực để giúp bản vùng cao Nậm Ðích giảm nghèo bền vững. Năm 2017, song song với các chương trình dự án giảm nghèo theo chương trình 30a, 135/CP, xã Chà Nưa còn huy động nguồn lực hỗ trợ thêm cho người nghèo bản Nậm Ðích 28 con bò sinh sản để nuôi theo nhóm 3 hộ/con. Hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Chà Nưa giảm từ 34% xuống còn 16,36%.

Triển khai thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Nậm Pồ thời gian qua tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song có thể nhận thấy những dấu hiệu tích cực, mà “điểm sáng” là các xã: Chà Cang, Chà Nưa. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả của 2 xã đang được huyện Nậm Pồ triển khai nhân rộng. Ðó là cơ sở để tin tưởng thời gian tới, công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện Nậm Pồ sẽ tiếp tục thu được những kết quả tích cực.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top