Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ đông xuân

09:08 - Thứ Sáu, 18/05/2018 Lượt xem: 10361 In bài viết
ĐBP - Thời điểm này, chỉ còn hơn 10 ngày nữa, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào thu hoạch lúa đông xuân. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, từ nay đến cuối vụ, thời tiết diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát sâu bệnh hại lúa như: đạo ôn, cổ bông, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng rất cao; ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa. Vì vậy, các địa phương, bà con nông dân cần chủ động phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

 

Nông dân huyện Ðiện Biên phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trên lúa cuối vụ đông xuân 2018.

Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, toàn tỉnh gieo cấy 9.377,4ha lúa. Hiện nay, lúa trà cực sớm - trà sớm đang ở giai đoạn chín sữa - chín sáp; lúa trà chính vụ đang giai đoạn trổ bông - chín sữa và lúa trà muộn đang ở giai đoạn làm đòng. Ðây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm với các loại sâu bệnh như: Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá và tập đoàn rầy… Cùng với đó, điều kiện thời tiết sáng sớm có sương mù nhẹ, trưa chiều trời nắng kèm theo những trận mưa lớn là điều kiện thuận lợi để các loại sâu bệnh phát triển, lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, tập đoàn rầy gây hại diện rộng trên các trà lúa, phổ biến 20 - 512 con/m2, nơi cao đến 2.000 con/m2; cục bộ 3.000 con/m2 (TP. Ðiện Biên Phủ). Mật độ ổ trứng phổ biến 5 - 15 ổ/m2, nơi cao 40 ổ/m2, cục bộ 90 ổ/m2. Bệnh khô vằn diễn biến gây hại tăng so với các kỳ trước trên các trà lúa, tỷ lệ phổ biến 2 - 8%, cao 50% dảnh, cấp 3, 5; cục bộ 90% dảnh, cấp 7, 9 (Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ). Ðặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá, cổ lá tiếp tục gây hại các trà lúa, tỷ lệ phổ biến 1 - 4%, cao 24% lá, cổ lá; cục bộ theo chòm ổ 80% lá tại một số vùng thuộc huyện Ðiện Biên. Ðạo ôn cổ bông diễn biến gây hại tăng nhanh trên trà sớm - chính vụ ở địa bàn huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ, Mường Chà, TX. Mường Lay tỷ lệ phổ biến 1 - 2%, cao 5% bông, cục bộ 20% bông. Cùng với đó là bệnh bạc lá, bệnh đốm nâu, bọ xít dài và chuột.

Trước tình hình đó, để phòng trừ sâu bệnh hại lúa, đảm bảo cho năng suất, chất lượng lúa đông xuân, Chi cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố và chính quyền cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền để bà con nông dân biết diễn biến phát triển của sâu bệnh hại lúa, từ đó có biện pháp phòng trừ hiệu quả. Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Với mỗi loại sâu bệnh và tuỳ thuộc từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, đều có những khuyến cáo riêng. Ðể phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cần sự vào cuộc tích cực của cán bộ chuyên môn, chính quyền địa phương và đặc biệt là của bà con nông dân. Việc bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình phát sinh phát triển của sâu bệnh để dự tính dự báo là rất quan trọng. Thường xuyên theo dõi đồng ruộng, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại cho lúa thì công tác phòng trừ sâu bệnh sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Ðối với các loại sâu như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… thì nên phòng trừ khi sâu ở tuổi 1 - 2; đối với bọ rầy nên phòng trừ khi còn là rầy cám; đối với bệnh đạo ôn lá, cổ lá nên phòng trừ sớm khi bệnh mới xuất hiện; đối với bệnh đạo ôn cổ bông phải phòng trừ từ trước bởi vì khi cây lúa đã bị bệnh đạo ôn cổ bông thì các loại thuốc bảo vệ thực vật không có tác dụng…

Cũng vào thời điểm này, vụ đông xuân năm 2016 - 2017, lúa đông xuân trên địa bàn huyện Ðiện Biên bị bệnh đạo ôn cổ bông, lây lan trên diện rộng với trên 700ha nhiễm bệnh mức độ nặng, làm giảm năng suất, sản lượng lúa. Nhất là trên các giống lúa Séng cù và Bắc thơm. Rút kinh nghiệm, năm nay, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên đã phối hợp với UBND các xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông từ trước khi cây lúa chuẩn bị làm đòng. Do đó, đã hạn chế được bệnh đạo ôn cổ bông. Ðến nay, toàn huyện có 161ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông song chỉ có 2,2ha nhiễm nặng, phân bố trên trà cực sớm tại các xã: Hua Thanh, Thanh Nưa. Các xã vùng lòng chảo, cây lúa cơ bản phát triển, sinh trưởng tốt. Ông Nguyễn Văn Tâm, đội 1, xã Pom Lót cho biết: Gia đình tôi gieo cấy trên 3.000m2 lúa đông xuân. Tháng 4/2018, khi phát hiện một số diện tích lúa bị bệnh đạo ôn lá, tôi đã chủ động mua thuốc phun diệt trừ dịch bệnh. Ðồng thời, phun phòng luôn bệnh đạo ôn cổ bông. Ðến nay, cây lúa đang giai đoạn chín sữa, không phát hiện bệnh đạo ôn cổ bông như năm 2017.

Cũng như huyện Ðiện Biên, huyện Mường Nhé đang tích cực chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa đông xuân cuối vụ. Thời điểm này, cây lúa đang giai đoạn chín sữa. Dù diện tích lúa đông xuân cũng bị một số loại sâu bệnh tấn công như: Tập đoàn rầy, sâu đục thân, bệnh đạo ôn cổ bông... nhưng mức độ nhiễm, lây lan thấp, không ảnh hưởng đến năng suất. Hiện nay, bà con nông dân đang tập trung phun phòng trừ các loại sâu bệnh, đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cuối vụ thu hoạch cho năng suất, sản lượng cao.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top