Huyện Mường Nhé

Cần sự chung tay của người dân trong xây dựng nông thôn mới

08:33 - Thứ Hai, 13/08/2018 Lượt xem: 8976 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé hiện có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí về nông thôn mới (NTM) là Sín Thầu (16 tiêu chí) và Mường Nhé (11 tiêu chí); còn lại 9 xã đạt khá thấp (từ 5 - 7 tiêu chí). Theo kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, 6 tháng đầu năm, bình quân số tiêu chí NTM huyện Mường Nhé chỉ tăng 0,7 tiêu chí/xã. Ðây là con số thấp, cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc trong xây dựng NTM đối với đặc thù huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé.

 

Ðường bê tông theo Chương trình NTM được đầu tư trên địa bàn xã Sen Thượng.

Theo phân tích của ông Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, có nhiều nguyên nhân gây khó khăn trong công tác xây dựng NTM của huyện, như: Nguồn kinh phí hạn chế, đội ngũ tuyên truyền, giúp việc của Ban Chỉ đạo Chương trình NTM huyện còn thiếu, yếu, chưa phát huy tốt năng lực... Nhưng nguyên nhân chính, khách quan là do địa bàn vùng cao, các xã nằm trên địa hình không thuận lợi, giao thông cách trở, dân cư sinh sống không tập trung; phần đông là dân di cư đến, đồng thời trình độ dân trí của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Người dân chưa thực sự hiểu, quan tâm và chủ động trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và chung tay xây dựng bản làng theo Chương trình NTM mà chính quyền sở tại đã đề ra.

Tại xã Mường Toong, ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã có 20 bản, trong đó 7 bản là người dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống còn nhiều khó khăn, tư tưởng bà con vẫn trông chờ ỷ lại; vì thế, để tuyên truyền, vận động người dân cùng xây dựng NTM là điều hết sức khó. Hiện nay xã Mường Toong mới đạt 5 tiêu chí NTM là: Quy hoạch, cơ sở hạ tầng thương mại, tỷ lệ lao động có việc làm, tổ chức sản xuất và quốc phòng - an ninh. Còn các tiêu chí như: Nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa... rất khó đạt được.

Còn đối với xã Sen Thượng, là xã vùng cao có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa bàn rộng, dân cư ít, sống thưa thớt, trình độ dân trí hạn chế cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong xây dựng NTM. Ông Trang Phạ Giá, Chủ tịch UBND xã Sen Thượng, cho biết: Mặc dù những năm gần đây, đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc Hà Nhì trong xã đã cải thiện, do được hưởng lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tuy nhiên, bà con vẫn chưa có ý thức bảo vệ môi trường bản làng, vẫn thả rông gia súc và xả rác không đúng nơi quy định; chưa biết chuyển đổi cơ cấu cây, con giống phù hợp để sinh kế bền vững. Không những thế, bà con còn lao động theo tư tưởng “cầm chừng” chỉ đủ ăn, tự cung tự cấp, chưa biết tạo sản phẩm hàng hóa. Do đó, để xóa đói, giảm nghèo là cả một quá trình; bao giờ ý thức, tư tưởng của bà con chuyển biến được, thì mới nói đến việc chung tay xây dựng NTM.

6 tháng đầu năm, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình NTM của huyện Mường Nhé đạt 407.353 triệu đồng; trong đó từ ngân sách Trung ương là 23.727 triệu đồng, đã được ưu tiên đầu tư phát triển 1 công trình giao thông, 14 công trình nhà văn hóa, 2 công trình nước sinh hoạt và phân bổ cho các xã để thực hiện xây dựng NTM. Theo đánh giá của ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé: Ðể hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM đối với địa bàn các xã vùng cao của huyện là một nhiệm vụ nặng nề; do đó cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền cơ sở và sự đồng thuận, chung tay của người dân. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là việc tuyên truyền, vận động người dân biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cũng cần được các cấp, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tiêu chí theo đặc thù, điều kiện thực tế vùng cao và tiếp tục bổ sung nguồn vốn, ưu tiên cho các xã còn khó khăn.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top