Viễn thông Ðiện Biên bắt nhịp xu hướng hiện đại, chất lượng

08:37 - Thứ Hai, 13/08/2018 Lượt xem: 8515 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, tỉnh ta còn chú trọng phát triển hạ tầng viễn thông. Ðến nay, hạ tầng viễn thông đã bao phủ rộng khắp, chất lượng cao từ huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet; 760 vị trí trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), tăng 27 vị trí trạm so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, 476 vị trí có phủ sóng 3G, 300 vị trí phủ sóng 4G và tiếp tục tăng mạnh, cung cấp dịch vụ cho hơn 480.000 thuê bao di động. Toàn tỉnh có 471 tuyến cáp quang với tổng chiều dài 3.651km. Trong đó hạ tầng của Viettel Ðiện Biên 350 tuyến; Viễn thông Ðiện Biên 121 tuyến. Hạ tầng truyền dẫn cáp quang, cáp đồng được kéo đến 100% trung tâm các xã; đến nay 130/130 xã, phường, thị trấn có kết nối băng rộng cố định đến trung tâm. Mạng internet tốc độ cao đã triển khai cung cấp dịch vụ truy nhập tại trung tâm thành phố, huyện, thị xã. Nhờ đó, tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông 6 tháng đầu năm ước đạt trên 140 tỷ đồng.

 

Cán bộ Viễn thông TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra hệ thống trạm thu phát sóng.

Mặc dù đạt những kết quả vượt bậc nhưng hiện nay lĩnh vực viễn thông đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ðó là lượng thuê bao ảo (thuê bao di động trả trước thực tế không hoạt động) còn nhiều. Các mục tiêu viễn thông tăng trưởng mạnh, song chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố và các huyện, thị trấn mà chưa tới được các thôn, bản. Ngoài ra, mục tiêu phổ cập internet tới xã hàng năm đã được Bộ Thông tin và Truyền thông giao kế hoạch thực hiện từ Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích song còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ ngầm hóa các tuyến cáp tại các đô thị chưa cao do các doanh nghiệp viễn thông có sự cạnh tranh mạnh để chiếm lĩnh thị trường nên chỉ tập trung đầu tư thực hiện các mục tiêu tăng trưởng tại các khu vực trung tâm, đông dân cư, chưa chú trọng đầu tư tại các khu vực vùng sâu, vùng xa; mới quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng mới, chưa chú trọng thực hiện ngầm hóa các tuyến cáp treo.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là: xây dựng và phát triển hạ tầng mạng viễn thông phải phù hợp với xu hướng phát triển của công nghệ, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðể thực hiện mục tiêu đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Quy hoạch Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2020 (Quy hoạch được phê duyệt theo Quyết định số 1117/QÐ-UBND, ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh) dựa trên quan điểm chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề xây dựng, quản lý và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động. Trên cơ sở đánh giá, phân tích xu hướng phát triển chung của viễn thông, Quy hoạch đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, thiết thực nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong xây dựng, phát triển hạ tầng mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, tỷ lệ sử dụng chung hạ tầng cột ăng ten phát sóng thông tin di động đạt khoảng 30 - 35%, ngầm hóa 20 - 25% hạ tầng mạng ngoại vi, phủ sóng thông tin di động trên 95% dân số toàn tỉnh, cáp quang hóa 5 - 10% hạ tầng mạng ngoại vi… Việc ngầm hóa hạ tầng mạng cáp viễn thông tại khu vực các tuyến đường, phố, khu đô thị… sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị.

Dự báo tương lai không xa, Ðiện Biên sẽ nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động phát triển tiên tiến, hiện đại; hạ tầng viễn thông có độ bao phủ rộng khắp các vùng, miền với dung lượng lớn, tốc độ cao; cung cấp đa dịch vụ, chất lượng cao, giá cước hợp lý, đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Tuy mới được triển khai thực hiện Quy hoạch Phát triển hạ tầng mạng viễn thông đến năm 2020 đã mang lại những kết quả tích cực, bảo đảm sử dụng hiệu quả hạ tầng mạng lưới và mỹ quan đô thị, khu dân cư, cảnh quan kiến trúc các công trình lịch sử, văn hóa. Ðặc biệt, góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top