Sản phẩm phái sinh trái phiếu Chính phủ: Hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp

14:59 - Thứ Năm, 11/10/2018 Lượt xem: 9061 In bài viết
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP) đang ở những khâu chuẩn bị cuối cùng. Theo bảng mô tả kỹ thuật, có thể thấy đây là một sản phẩm được thiết kế cho những nhà đầu tư là các cá nhân có danh mục đầu tư lớn và các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, quỹ đầu tư…

Khối lượng giao dịch tối thiểu: 1 tỷ đồng

Theo Công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc chấp thuận mẫu Hợp đồng tương lai (HĐTL) trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thiết kế, tài sản cơ sở của sản phẩm phái sinh trái phiếu sẽ là TPCP "giả định" có kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ 12 tháng/lần và trả gốc một lần khi đáo hạn.

Việc lựa chọn kỳ hạn của trái phiếu "giả định" 5 năm được dựa trên tính thanh khoản cũng như tỷ trọng của loại kỳ hạn này trong cơ cấu kỳ hạn phát hành trên thị trường cơ sở. Theo thống kê, TPCP 5 năm được Kho bạc Nhà nước phát hành nhiều nhất trên thị trường sơ cấp và có thanh khoản tốt trên thị trường thứ cấp.

Với hệ số nhân là 10.000 lần, quy mô hợp đồng của sản phẩm phái sinh trái phiếu chính phủ có giá trị 1 tỷ đồng. Đây cũng chính là khối lượng giao dịch tối thiểu của HĐTL TPCP do đơn vị giao dịch là hợp đồng.

Giá tham chiếu là Giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước hoặc giá lý thuyết đối với mã hợp đồng bắt đầu niêm yết. Biên độ dao động giá là 3%.

Ngày thanh toán cuối cùng sẽ được tính là ngày làm việc thứ ba kể từ ngày giao dịch cuối cùng. Ngày giao dịch cuối cùng được quy đinh là ngày 15 của tháng đáo hạn hoặc ngày giao dịch liền trước nếu ngày 15 là ngày nghỉ.

HĐTL trái phiếu Chính phủ sẽ có ba mã hợp đồng có thời điểm đáo hạn của ba tháng cuối ba quý gần nhất. Ví dụ: ngày niêm yết là ngày 17-12-2018, các tháng đáo hạn sẽ là tháng 3, tháng 6 và tháng 9, theo đó mã hợp đồng giao dịch sẽ là VGB5F1903, VGB5F1906 và VGB5F1909.

Phương thức thanh toán tại ngày giao dịch cuối cùng là chuyển giao "vật chất"

Theo bảng mô tả kỹ thuật HĐTL TPCP, phương thức thanh toán tại ngày giao dịch cuối cùng sẽ là chuyển giao TPCP. Tiêu chuẩn TPCP chuyển giao là loại trái phiếu do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn còn lại từ 3-7 năm tính đến ngày thanh toán cuối cùng và có giá trị niêm yết tối thiểu 2.000 tỷ đồng.

 

HNX sẽ thực hiện công bố danh sách trái phiếu đủ điều kiện chuyển giao trước ba ngày giao dịch tính từ ngày giao dịch đầu tiên. Trong suốt thời gian niêm yết của hợp đồng, HNX sẽ liên tục cập nhật danh sách trái phiếu trong rổ trái phiếu chuyển giao và chốt rổ 30 ngày trước ngày giao dịch cuối cùng của mã hợp đồng.Trường hợp rơi vào ngày nghỉ, ngày chốt danh sách sẽ là ngày giao dịch liền trước.

Thí dụ: vào ngày 18-3-2019, HNX niêm yết sản phẩm HĐTL TPCP mã VGB5F1906, ngày công bố rổ trái phiếu chuyển đổi cho mã VGB5F1906 là ngày 13-12-2018 (do 15 và 16 là ngày nghỉ cuối tuần). Ngày đáo hạn của VGB5F1906 là ngày 14-6-2019 (do 15 rơi vào thứ 7), ngày chốt danh sách rổ trái phiếu chuyển giao sẽ là 15-5-2019.

Tương ứng với mỗi trái phiếu đủ điều kiện để chuyển giao sẽ có hệ số chuyển đổi (CF) của từng trái phiếu đó. Hệ số chuyển đổi là tỷ lệ hoán đổi giữa trái phiếu "giả định" của HĐTL trái phiếu Chính phủ với trái phiếu chuyển giao. HNX sẽ tính toán theo công thức đã được công bố và niêm yết hệ số chuyển đổi tương ứng với từng trái phiếu trong rổ trái phiếu chuyển giao. Hệ số chuyển đổi sẽ được cố định trong suốt thời gian niêm yết của mã HĐTL tương ứng.

Trái phiếu rẻ nhất (cheapest-to-deliver bond - CTD) là trái phiếu có tỷ lệ [Giá thị trường của trái phiếu chuyển giao/CF] nhỏ nhất. Trong đó, Giá thị trường của trái phiếu được lấy từ giá giao dịch trái phiếu tại thị trường cơ sở hoặc giá từ đường cong lãi suất. Đây là trái phiếu đem lại khoản lãi lớn nhất hoặc lỗ nhỏ nhất khi thực hiện chiến lược mua trái phiếu đồng thời bán HĐTL trái phiếu Chính phủ và sau đó đóng vị thế tại ngày đáo hạn.

Đóng vị thế trước hạn hoặc đáo hạn vị thế

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của quốc tế, chỉ 2-3% HĐTL trái phiếu Chính phủ được giữ đến khi đáo hạn để thực hiện thanh toán. Phần lớn các HĐTL trái phiếu Chính phủ thường đóng vị thế trước hạn (Offset) hoặc được đáo hạn vị thế (Rollover).

Khi muốn đóng vị thế trước hạn, nhà đầu tư chỉ cần thực hiện ngược lại với vị thế ban đầu của mình với số hợp đồng và kỳ hạn tương ứng. Thí dụ: Nhà đầu tư mở vị thế bằng việc mua 10 hợp đồng VGB5F1903, để đóng vị thế này, nhà đầu tư cần bán 10 hợp đồng VGB5F1905, theo đó vị thế ròng của nhà đầu tư sẽ trở về 0.

Đáo hạn vị thế được sử dụng khi nhà đầu tư không muốn thực hiện thanh toán hay đóng vị thế trước hạn mà muốn chuyển vị thế nắm giữ của mình sang các kỳ hạn xa hơn. Thí dụ: Nhà đầu tư mua 10 hợp đồng VGB5F1903 đáo hạn tháng 3-2019 nhưng không muốn thực hiện thanh toán vào tháng 3-2019 mà muốn thực hiện vào tháng 6-2019, nhà đầu tư có thể thực hiện đồng thời việc bán 10 hợp đồng VGB5F1903 và mua 10 hợp đồng VGBF1906.
P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top