Cần quản lý chặt việc chuyển đổi đất trồng lúa

09:57 - Thứ Hai, 15/10/2018 Lượt xem: 10386 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 13.360ha đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ và gần 77.500ha đất trồng lúa nước 1 vụ và lúa nương. Tuy nhiên, diện tích khai thác và thực trồng vụ xuân chỉ hơn 9.300ha, vụ mùa hơn 18.700ha; còn lại phần lớn chưa được khai thác, sử dụng. Diện tích thực trồng không lớn song những năm qua vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều diện tích đất trồng lúa trên địa bàn đang bị thu hồi, chuyển đổi, lấn chiếm để phục vụ mục đích khác. Các huyện có diện tích đất lúa giảm nhiều là: Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Nhé…

 

Xây dựng Thủy điện Sông Mã 3, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông) phải thu hồi và chuyển hơn 1ha đất trồng lúa 1 vụ.

Mường Chà là một trong những huyện có diện tích đất trồng lúa giảm nhiều nhất. Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay huyện Mường Chà chuyển đổi 236,9ha đất trồng lúa sang mục đích khác. Năm 2015, chuyển 30,9ha đất trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, trong đó đất chuyên trồng lúa nước là 5,27ha. Năm 2017, thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, toàn huyện đã chuyển đổi 206ha đất trồng lúa bạc màu sang trồng dong riềng, cỏ voi và dứa. Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà, thì nguyên nhân chính của việc giảm diện tích trồng lúa do điều kiện tự nhiên, đất đai và thổ nhưỡng không phù hợp với thâm canh cây lúa, năng suất đạt thấp nên chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Một trong những nguyên nhân khiến diện tích đất lúa thời gian qua bị thu hồi, chuyển đổi mục đích là thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị, nhà máy. Chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh có 176 dự án, công trình được đầu tư xây dựng mới với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 1.400ha (bao gồm đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ). Trong đó, TP. Ðiện Biên Phủ có 21 dự án, công trình với tổng diện tích đất cần thu hồi 92,8ha; huyện Ðiện Biên 19 công trình, dự án với tổng diện tích đất thu hồi 186,2ha; Mường Ảng 25 dự án, công trình với diện tích 42,53ha… Ðiển hình, một số dự án, công trình thu hồi đất trồng lúa, như: Năm 2017, huyện Mường Ảng thực hiện đầu tư xây dựng công trình đường 27m và khu tái định cư thị trấn Mường Ảng phải thu hồi hơn 6ha diện tích đất trồng lúa, trong đó có 5,42ha lúa 1 vụ và 0,06ha lúa 2 vụ. Thực hiện Xây dựng Dự án Thủy điện Mùn Chung 2, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) phải thu hồi hơn 5ha đất trồng lúa, trong đó có 1,5ha đất lúa 2 vụ.

Bên cạnh những diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp theo quy định, là tình trạng người dân tự ý lấn chiếm đất trồng lúa để xây dựng các công trình xây dựng trái phép. Nguyên nhân là do sự buông lỏng của chính quyền cơ sở trong việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn. Như trước đây dọc quốc lộ 279, đoạn qua khu vực C9, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), người dân tự ý lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, công trình trên đất trồng lúa. Ban đầu chỉ có một số hộ dân, sau đó những hộ khác đua nhau làm theo. Ðến nay, có khoảng 130 hộ đang sử dụng đất tại khu vực này; trong đó, hơn 50 trường hợp đã dựng nhà kiên cố và nhà tạm, còn lại đa số là đổ đất san nền; tổng diện tích đất khoảng 3ha…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 - 2017 toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 422,1ha đất trồng lúa sang cây trồng khác và chuyển đổi hơn 371,6ha diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp. Năm 2018, dự kiến chuyển đổi 36,37ha… Nguyên nhân là cần quỹ đất để phục vụ phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình, dự án. Một lý do khác khiến diện tích đất trồng lúa ngày một giảm mạnh, đó là những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh có chủ trương quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản và các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.

Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ðể giữ đất trồng lúa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đối với người trồng lúa. Cụ thể như thực hiện Nghị định 35/2015/NÐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, từ năm 2015 - 2017, toàn tỉnh được phân bổ hơn 170,5 tỷ đồng; riêng năm 2018 hơn 52 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được phân bổ về các huyện để sử dụng vào các nội dung, như: Quy hoạch, lập bản đồ các vùng đất chuyên trồng lúa nước năng suất, chất lượng cao; đầu tư, bảo dưỡng các công trình nông nghiệp nhằm mục đích tăng diện tích, năng suất, sản lượng lúa; cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa. Ðặc biệt, để giữ vững và gia tăng diện tích đất chuyên trồng lúa, phần lớn nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho người dân khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước và áp dụng giống mới, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trung bình hàng năm mỗi huyện có từ 7 - 8 tỷ đồng để thực hiện bảo vệ đất lúa; trong đó huyện Ðiện Biên được hỗ trợ cao nhất, mỗi năm gần 12 tỷ đồng; huyện Ðiện Biên Ðông hơn 9 tỷ đồng… Bên cạnh đó, để khuyến khích người dân bảo vệ tốt diện tích đất trồng lúa, thời gian qua tỉnh thực hiện việc giao đất không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho người trồng lúa; hỗ trợ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất lúa bị thiệt hại. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng triển khai các mô hình xây dựng vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, tập trung, ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ giá giống cho các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao; hỗ trợ mô hình cơ giới hóa...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top