Khó phát triển nghề, làng nghề truyền thống

09:03 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 12022 In bài viết

ĐBP - Nghề và làng nghề truyền thống có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bị mai một.

 

Hiện nay, hầu hết làng nghề truyền thống vẫn đang gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Hội viên Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm Lào Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) đóng hàng. Ảnh: Phong Vân

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 30 làng nghề truyền thống. Trong đó, 17 làng nghề sản xuất dệt thổ cẩm, mây tre đan và 13 làng nghề sản xuất, chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản. Các làng nghề tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Ðiện Biên, Mường Chà, Tủa Chùa, TX. Mường Lay và TP. Ðiện Biên Phủ. Với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, các làng nghề và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn có sức hút không nhỏ đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng, thời gian gần đây hàng loạt làng nghề truyền thống gắn với tên tuổi các nghệ nhân nổi tiếng đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả.

Qua rà soát, đánh giá của ngành chức năng, hiện nay số làng nghề hoạt động có hiệu quả rất ít như: Hợp tác xã Làng nghề dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên); Hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm dân tộc Thái bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên); Làng nghề làm bánh khẩu xén ở bản Bắc, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay)... Còn lại hầu hết các làng nghề đều hoạt động mang tính hình thức, kém hiệu quả. Thậm chí một số làng nghề đã giải thể, như Dệt thổ cẩm bản Him Lam 2, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Bên cạnh đó, còn có 7/30 làng nghề thuộc dạng bảo tồn nếu như không muốn bị mai một, giải thể như: Làng nghề dệt thổ cẩm bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông); dệt thổ cẩm và du lịch bản Phăng 3, xã Mường Phăng và mây tre đan ở xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên); mây tre đan bản Co Ðứa, xã Na Sang (huyện Mường Chà)...

Từ năm 2014 trở về trước, làng nghề mây tre đan xã Nà Tấu (nay là Hợp tác xã Làng nghề mây tre đan Nà Tấu) hoạt động khá hiệu quả. Có thời điểm, người người, nhà nhà đều làm mây tre đan, đem lại thu nhập đáng kể, tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, do thiếu vốn, nguyên liệu, trình độ tay nghề của các xã viên còn hạn chế, chậm đổi mới trong xu thế phát triển của cơ chế thị trường... nên hoạt động cầm chừng, xã viên bỏ dần. Lý do vì sao một làng nghề đang hoạt động có hiệu quả lại đang dần bị mai một được ông Lò Văn Cương, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề mây tre đan Nà Tấu cho biết: “Vì thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm”. Theo ông Cương, nguồn nguyên liệu mây, tre người dân trong bản phải đi mua từ các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, thậm chí từ Lào về. Thế nhưng không phải lần nào đi mua nguyên liệu cũng được. Bên cạnh đó, sản phẩm mây tre đan những năm gần đây trên địa bàn tỉnh rất nhiều, nên khó tiêu thụ. Sản phẩm làm ra vẫn chỉ dừng lại ở việc bán lẻ cho khách qua đường, phân phối lẻ theo yêu cầu của một vài đại lý trong xã, huyện và nhu cầu người dân tại địa bàn. Sản phẩm khó bán, thu nhập ít nên người dân ngày càng không mặn mà với nghề truyền thống. Cho đến nay, làng nghề vẫn loay hoay để tìm hướng phát triển.

Làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) cũng trong tình trạng tương tự. Ðược biết, đây là làng nghề lâu đời, hình thành từ khi có tháp Mường Luân (tháp Mường Luân được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XVI). Các sản phẩm người dân làm ra chủ yếu là váy, chân váy phục vụ nhu cầu của dân tộc Lào. Ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân cho biết: Có thời điểm, người Lào ở Mường Luân bỏ nương, ruộng để thêu dệt thổ cẩm. Còn bây giờ thị trường tiêu thụ khó, nguyên liệu nhập giá thành cao, không đủ sức cạnh tranh. Ðiều này khiến tình hình hoạt động của làng nghề những năm gần đây rất khó khăn, khiến nhiều người bỏ nghề.

Những năm qua, có nhiều đề án hỗ trợ làng nghề như: đào tạo nghề, truyền nghề, giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các hội chợ triển lãm… nhưng khó khăn lớn nhất của việc duy trì các làng nghề truyền thống hiện nay là chưa có nghề và làng nghề nào ở tỉnh ta được công nhận là làng nghề truyền thống theo Nghị định số 66/2006/NÐ-CP ngày 7/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (nay được thay thế bằng Nghị định số 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn). Cũng bởi lý do này mà sự phân công trách nhiệm về quản lý làng nghề giữa các ngành, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương chưa rõ ràng; tổng hợp báo cáo về làng nghề, các chính sách hỗ trợ và những vấn đề liên quan thường không đáp ứng đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Nhằm khôi phục, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, năm 2014 UBND tỉnh có quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Ðiện Biên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo quy hoạch, sẽ tiếp tục ưu tiên duy trì và phát triển mở rộng quy mô, chủng loại sản phẩm của các làng nghề hiện có, không phát triển tràn lan làng nghề theo phong trào. Ðến năm 2020 sẽ có thêm một số làng nghề, như: Làng nghề mây tre đan tại phường Sông Ðà (TX. Mường Lay); khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm tại bản Him Lam 2 (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ); quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu song, mây ở các xã Huổi Lèng, Hừa Ngài (huyện Mường Chà) để cung cấp đủ nguyên liệu cho làng nghề mây tre đan tại các xã Pa Ham, Mường Mươn, Hừa Ngài… Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là chính sách vinh danh, công nhận làng nghề, nghệ nhân.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top