Còn nhiều thách thức trong thực hiện giảm nghèo bền vững

09:09 - Thứ Năm, 29/11/2018 Lượt xem: 10945 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định số 1772/QÐ-TTg, ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HÐND tỉnh đã ra Nghị quyết số 32/NQ-HÐND, ngày 14/10/2016 về Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Ðiện Biên, giai đoạn 2016 - 2020; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1440/QÐ-UBND, ngày 15/11/2016 phê duyệt chương trình giảm nghèo tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020.

Ðến nay, đã qua hơn nửa chặng đường thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng giao thông, điện, trường học, thủy lợi, chợ nông thôn, trạm y tế… được tăng cường đầu tư; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được nâng lên rõ nét; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tiến độ xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

 

Bên cạnh các chính sách giảm nghèo của Ðảng, Nhà nước, còn rất nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ người nghèo vươn lên. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ), hướng dẫn người dân xã Nà Hỳ chăm sóc bò được hỗ trợ. Ảnh: Văn Tâm

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế về: tỷ lệ tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, tỷ lệ giảm hộ nghèo ở các huyện 30a, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm; sự chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa vùng thấp và vùng cao, biên giới… Thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018 trên địa bàn tỉnh, tính đến nay mới có 10/22 đạt chỉ tiêu Nghị quyết 32/NQ-HÐND đề ra. Bao gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân; số xã có có điện lưới quốc gia; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT; tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ bình quân bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đầy đủ các loại vắc xin; số lao động được đào tạo nghề/năm; tạo việc làm mới/năm. Trong đó, đạt kết quả tốt nhất là chỉ tiêu tạo việc làm mới. Lý do là thời gian qua tỉnh ta đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều chính sách thu hút, huy động nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác tiềm năng địa phương. Ðồng thời, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho lao động làm việc tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh và xuất khẩu. Nhờ đó, trung bình mỗi năm toàn tỉnh tạo việc làm cho 8.876 lao động, đạt 103,1% (mục tiêu đề ra là tạo việc làm cho 8.600 lao động/năm); riêng năm 2018 ước thực hiện giải quyết việc làm mới cho 9.528 lao động (đạt 110,79% kế hoạch năm, tăng 5,23% so với năm 2017).

Trong số những chỉ tiêu chưa đạt, một số chỉ tiêu đã có những bước tiến đáng kể so với giai đoạn trước, song so với đích đến là năm 2020 thì vẫn còn thấp, như: Chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, ước đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 47.911 hộ nghèo, chiếm 37,45% (giảm 10,69% so với năm 2015) nhưng ước chỉ đạt 70,61% mục tiêu đến năm 2020 (tỷ lệ hộ nghèo dưới 33%). Tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế ước thực hiện cuối năm 2018 là 62,3% (tăng 28,5% so với năm 2015) song vẫn còn cách xa chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 đạt 80%. Một số chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới như: Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 16,6% so với chỉ tiêu của Nghị quyết giảm còn 10%; tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh mới đạt 46,1% so với mục tiêu 75%; đường huyện được cứng hóa đạt 71/100%; đường xã được cứng hóa đạt 31/50%...

Những nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan dẫn tới nhiều chỉ tiêu giảm nghèo chưa đạt đã được chính quyền các cấp, ngành chức năng “nhận diện”. Ðó là nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Tại nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn còn xảy ra tình trạng di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tội phạm ma túy. Suất đầu tư các công trình trên địa bàn vùng cao, biên giới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước trong khi nguồn vốn Trung ương cấp chưa đáp ứng nhu cầu; các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Về mặt chủ quan, đó là vai trò chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số địa phương chưa quyết liệt, thường xuyên; việc triển khai chính sách hỗ trợ còn lúng túng, một số huyện còn xảy ra sai sót trong thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất. Ðặc biệt, một bộ phận không nhỏ người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo; thậm chí nhiều trường hợp còn muốn là hộ nghèo để thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Nhìn thẳng vào thực tế để nhận ra những hạn chế, yếu kém là điều tốt, song để sự cầu thị ấy phát huy lợi ích thì song hành phải có những giải pháp hữu hiệu. Ðược biết, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo cả nước đến năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề ra một số giải pháp; trong đó có 3 nhóm chính sách cần tập trung thực hiện gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trên cơ sở định hướng chung đó, với đặc thù vùng cao biên giới như tỉnh ta, trước hết cần quyết liệt thực hiện giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng hỗ trợ có điều kiện để gắn trách nhiệm và khuyến khích sự chủ động của người nghèo. Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã để từng bước tăng cường phân cấp cho cấp xã và trao quyền cho cộng đồng, người dân theo đúng chủ trương của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Cùng với đó là ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các xã nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Ðể giảm nghèo bền vững thì phải tạo sinh kế bền vững, muốn vậy cần phải có những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của từng địa bàn.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top