Khó thu hút đầu tư vào các huyện vùng cao

09:31 - Thứ Hai, 03/12/2018 Lượt xem: 10776 In bài viết

ĐBP - Mặc dù có những lợi thế, tiềm năng nhất định song những năm qua các huyện trong tỉnh, đặc biệt là các huyện nghèo, như: Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Mường Nhé... rất khó huy động nguồn vốn, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, tạo sức bật cho kinh tế địa phương.

 

Hầu hết các dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào các huyện chủ yếu ở lĩnh vực thủy điện. Trong ảnh: Công trình thi công Dự án Thủy điện Nậm Pay, xã Nà Tòng (huyện Tuần Giáo).

Ðiện Biên Ðông là một trong những huyện 30a, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huyện đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực có lợi thế nhất của huyện.

Phát triển chăn nuôi là một trong những thế mạnh của huyện Ðiện Biên Ðông. Thực tế cho thấy chăn nuôi gia súc, gia cầm đã dần khẳng định rõ hiệu quả kinh tế bền vững với tỷ trọng chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trên địa bàn huyện bình quân đạt 4,5 - 5%/năm; gia cầm tăng từ 7 - 8%/năm. Hiện, toàn huyện có hơn 90.000 con gia súc và gần 352 nghìn con gia cầm các loại; trên 125 gia trại chăn nuôi trâu, bò, dê. Có lợi thế về chăn nuôi, thế nhưng những năm qua huyện Ðiện Biên Ðông lại khó thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Mặc dù, tỉnh, huyện thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, huyện chưa thu hút được nhà đầu tư nào trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, du lịch, văn hóa; ngoại trừ một số dự án thủy điện.

Tuần Giáo là huyện cửa ngõ của tỉnh, có lợi thế nhất định về lâm nghiệp cũng như chăn nuôi, nhưng trong những năm qua việc thu hút đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế, trước đây đã có những doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến lâm nghiệp trên địa bàn, song do nhiều nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp ngừng hoạt động và chuyển đi tỉnh khác đầu tư. Ðại diện lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo, cho biết: Ðể tạo thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện đã ban hành nhiều cơ chế tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, với đặc thù vùng cao, khó khăn, mặc dù chi phí giải phóng mặt bằng không lớn, nhưng chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại cao hơn nhiều so với các huyện đồng bằng, trong khi đó thời gian thu hồi vốn lâu đã tác động lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Không chỉ huyện Ðiện Biên Ðông và Tuần Giáo, mà hầu hết các huyện khác trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Ngoài những nguyên nhân đã nêu, một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp còn đắn đo trong việc quyết định đầu tư tại các huyện vùng cao là chất lượng nguồn lao động thấp. Lực lượng lao động địa phương còn nhiều bất cập, tỷ lệ lao động phổ thông cao, thiếu lao động có chuyên môn và nghiệp vụ giỏi. Thực tế có nhiều doanh nghiệp phản ánh về việc lao động thích thì làm, không thích thì nghỉ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi vào thời vụ sản xuất.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó phòng Kinh tế - Ðối ngoại và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Ðầu tư), cho biết: Việc thu hút đầu tư vào địa bàn các huyện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, mặc dù đây là lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng. Qua theo dõi cho thấy, từ năm 2006 đến nay, chỉ có 183 lượt doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn các huyện, chủ yếu tại huyện Ðiện Biên, Mường Ảng và TP. Ðiện Biên Phủ. Trong khi đó, các lĩnh vực đầu tư chưa cân đối, cụ thể: Lĩnh vực công nghiệp 133 dự án (chủ yếu là thủy điện); nông, lâm nghiệp 24 dự án; còn lại các dự án trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Ðể giải quyết những bất cập, nâng cao sức thu hút đầu tư ở các huyện, cần có cơ chế “khơi thông” chính sách tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào. Ðồng thời, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực về đất đai. Cùng với việc tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh, các huyện cần chủ động nghiên cứu, bố trí ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở để tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ưu tiên trong việc thực hiện các chương trình, hoạt động khuyến công...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top