Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới

09:17 - Thứ Ba, 11/12/2018 Lượt xem: 8489 In bài viết
Từ đầu năm đến tháng 11-2018, quy mô xuất, nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt hơn 440 tỷ USD, điều mà trước đây cần nhiều năm mới có thể thực hiện được. Kết quả tích cực này có đóng góp quan trọng từ công tác cải cách, hiện đại hóa (CC, HĐH) tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của ngành hải quan.

Theo Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong bốn nước dẫn đầu về chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới. Cụ thể: Thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu giảm ba giờ (từ 58 giờ xuống 55 giờ), hàng nhập khẩu giảm sáu giờ (từ 62 xuống 56 giờ). Trong đó, thời gian tác nghiệp của cơ quan hải quan chỉ chiếm 11% đối với hàng nhập và 4% đối với hàng xuất trong tổng số thời gian thông quan. Đáng chú ý, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng đã giảm được 19 USD. Ước tính với hơn 11 triệu tờ khai của năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tiết kiệm được hơn 200 triệu USD, tiết kiệm hơn 16 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng xuất khẩu và hơn 34 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu. 

 

Hệ thống máy soi công-ten-nơ tại Cảng Green Port (Cục Hải quan TP Hải Phòng) giúp giảm thời gian kiểm tra hàng hóa và chi phí cho doanh nghiệp.

Để có kết quả này, ngành hải quan tập trung rất cao cho nhiệm vụ cải cách thể chế. Khi Luật Hải quan năm 2014, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 có hiệu lực, đã giảm số lượng thủ tục hành chính (TTHC) hải quan từ 239 xuống còn 183 thủ tục. Đến nay, đã có 11 bộ, ngành tham gia cơ chế một cửa quốc gia, với 130 TTHC được kết nối; tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hơn 1,66 triệu bộ và hơn 25,3 nghìn DN tham gia. Giai đoạn tiếp theo, sẽ triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi thuộc 24 tỉnh, thành phố kết nối 11 TTHC liên quan tàu, thuyền; triển khai tất cả TTHC thuộc lĩnh vực cảng thủy nội địa...

Bên cạnh bảo đảm vận hành thông suốt Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS, ngành còn xây dựng và vận hành Hệ thống quản lý hàng gia công, sản xuất xuất khẩu theo phương thức quản lý mới, Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, Hệ thống quản lý hải quan tự động hàng hóa tại cảng, kho, bãi. Triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tối thiểu mức độ 3 trở lên đối với 173 trong tổng số 183 TTHC (chiếm hơn 94,5% số lượng TTHC), trong đó, có 164 TTHC được cung cấp dịch vụ mức độ 4. Ngành cũng ký kết với 39 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, trong đó có 24 ngân hàng thương mại đã thực hiện nộp thuế điện tử “mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện có kết nối in-tơ-nét”, giúp giảm thời gian nộp thuế từ hai ngày xuống còn 15 phút.

Việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ là khâu rất quan trọng để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Trên quan điểm đó, ngành hải quan thực hiện quản lý, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của DN trên năm mảng nghiệp vụ cơ bản của quản lý tuân thủ, bước đầu thực hiện triển khai thí điểm Chương trình đo lường tuân thủ đối với DN. Đẩy mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng xác định trước mã, xuất xứ, trị giá hải quan, góp phần giúp DN chủ động trong thực hiện thủ tục hải quan, hạn chế sai sót. Ngành còn chủ động phối hợp cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa XNK. Đến nay, có 13 bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 82 trong tổng số 87 văn bản pháp luật về quản lý, KTCN, theo hướng cắt giảm mặt hàng phải KTCN trước thông quan, chuyển thời điểm kiểm tra từ trước thông quan sang sau thông quan. Một số quy định không còn phù hợp cũng đã được bãi bỏ và tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh mở rộng các phòng thí nghiệm theo chuẩn Vilas, nhằm giảm thời gian KTCN để thực hiện giảm thời gian thông quan hàng hóa…

Tuy nhiên, những vướng mắc hiện nay đang làm giảm hiệu quả công tác CC, HĐH của ngành hải quan và rất cần được tháo gỡ. Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Thường trực CC,HĐH (Tổng cục Hải quan) Kim Long Biên cho biết, kết quả thực hiện TTHC qua DVCTT mức độ 3, mức độ 4 được trả cho tổ chức, cá nhân là kết quả dưới dạng điện tử và được trả trên hệ thống DVCTT. Tuy nhiên, khi tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả này để thực hiện các TTHC với cơ quan quản lý nhà nước khác thì không được chấp nhận, vì văn bản pháp quy về các TTHC chưa quy định chấp nhận kết quả điện tử của DVCTT. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia sử dụng DVCTT của tổ chức, cá nhân còn thấp, vì văn bản pháp quy về các TTHC không bắt buộc người làm thủ tục phải sử dụng DVCTT, đồng thời việc tuyên truyền về lợi ích của DVCTT chưa đủ mạnh, chưa làm nổi bật về lợi ích... để thay đổi thói quen của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC qua DVCTT. Còn tồn tại thực trạng nhiều văn bản pháp luật quy định về KTCN dẫn đến chồng chéo, khó thực hiện trong thực tế. Nhiều thủ tục xin giấy phép và cấp chứng nhận trong hoạt động KTCN còn thực hiện thủ công cho nên mất nhiều thời gian. Số lượng TTHC của các bộ, ngành thực hiện cắt giảm qua cơ chế một cửa quốc gia còn thấp, dẫn đến DN mất thời gian cho thủ tục liên quan. Các bộ còn chậm đưa các TTHC liên quan hoạt động XNK lên cơ chế một cửa quốc gia, từ đó giảm hiệu quả trong hoạt động cải cách hành chính.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch CC, HĐH ngành hải quan giai đoạn 2016 - 2020; cải cách thể chế và quy trình thủ tục bảo đảm hành lang pháp lý cho việc triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTTP, EVFTA...), triển khai Chính phủ điện tử trong ngành hải quan. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm hoạt động nghiệp vụ, điều hành, quản lý có sự liên thông, kết nối thông suốt trong trao đổi dữ liệu. Tích hợp các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại vào một hệ thống thống nhất, được xây dựng theo kiến trúc hướng dịch vụ, xử lý theo mô hình tập trung cấp Tổng cục, có chức năng quản lý, giám sát việc truy cập hệ thống đối với tất cả đối tượng tham gia. Tiếp tục triển khai và hoàn thiện hệ thống nộp thuế điện tử, hệ thống giám sát hàng hóa tự động tại kho, bãi, cảng nhằm phục vụ tốt hơn cho DN. Đôn đốc các bộ, ngành, quyết liệt cải cách công tác KTCN, tăng số lượng TTHC được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia theo các kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top