Xuất khẩu liên tục phá kỷ lục

15:33 - Thứ Tư, 02/01/2019 Lượt xem: 7952 In bài viết

Kim ngạch xuất nhập khẩu duy trì đà tăng cao; xuất siêu vượt xa dự báo và liên tục đạt mức kỷ lục – đó là những điểm sáng đáng ghi nhận của công tác xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2018. Kết quả này càng đáng ghi nhận khi đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều khó khăn trong suốt năm qua.

 

Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2018.

Đa dạng giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 

Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của hoạt động xuất khẩu (XK) khi kim ngạch toàn ngành dệt may đạt hơn 36 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017. cũng là mức cao nhất trong nhiều năm xuất khẩu. Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Năm 2018, XK dệt may ghi điểm bởi tốc độ tăng cả lượng lẫn chất. Nếu năm 2015, XK của ngành chỉ tăng ở mức 12,1%, đến 2016 tăng chưa đầy 5% và bật lên gần 11% vào năm 2017, thì mức tăng trưởng 16,1% của năm 2018 trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nhà XK lớn chưa bao giờ giảm nhiệt, là rất đáng ghi nhận”. Dệt may là một trong những mặt hàng XK tiêu biểu năm 2018 khi đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu cả nước đã đạt mốc kỷ lục khi kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD – đạt 425,12 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 214,02 tỷ USD; nhập khẩu là 211,1 tỷ USD; xuất siêu gần 3 tỷ USD, là con số cao nhất cho đến thời điểm đó. Đây là tin vui cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng đồng thời cũng là rào cản không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu của năm 2018.

Ngay trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, trước những thành tích lớn của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2017, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không giấu kỳ vọng cho hoạt động xuất nhập khẩu của ngành Công Thương năm 2018 khi “đặt hàng” kim ngạch XK phải tăng 10% (trước đó, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng 7 – 8%). Đặt trong bối cảnh thế giới hội nhập sâu rộng, nhiều quốc gia đặt rào cản phi thuế quan cho hàng XK; cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới… nhiệm vụ Thủ tướng đặt ra cho ngành Công Thương không hề đơn giản, dễ dàng.

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ đã được giao, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công thương đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải cách thể chế chính sách, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp (DN). Đơn cử, Nghị định 107/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo do Bộ Công thương xây dựng được Chính phủ ký ban hành đã giúp tạo điều kiện cho nhiều DN tham gia thị trường, kể cả DN tư nhân. Nhờ đó, trong các gói thầu nhập khẩu gạo mới đây, cơ hội đã mở ra cho nhiều DN tư nhân như Tân Long, Lộc Trời…

Các DN XK cũng nỗ lực mở rộng thị trường, mở rộng đơn hàng, tận dụng các ưu đãi từ khung khổ hội nhập. Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ngày càng hiệu quả. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2018, các tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.

Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại cũng có nhiều nét mới, đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy XK, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Từ đó, làm tốt việc hỗ trợ DN Việt Nam đưa hàng vào chuỗi phân phối bán lẻ tại nước ngoài như AEON, Lotte, Metro… Hiện nay, nước ta đã có sáu sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị AEON tại Nhật Bản và đang tràn đầy cơ hội được XK sang chuỗi siêu thị AEON khắp thế giới. AEON cũng cam kết đến năm 2020, kim ngạch XK hàng hóa vào hệ thống AEON tại Nhật Bản và các thị trường khác sẽ đạt 500 triệu USD.

Với các kỳ hội chợ, điểm đáng chú ý là thay vì chỉ mang hàng hóa đến quảng bá như trước đây, trước khi tổ chức các kỳ hội chợ, hàng hóa đã được gửi trực tiếp cho khách hàng thẩm định. Từ đó, tăng số lượng hợp đồng thương mại được ký kết trực tiếp tại sự kiện.

“Mùa quả ngọt”

Những nỗ lực chung đó đã mang lại kết quả XK khả quan khi con số kỷ lục của năm 2017 đã được vượt qua chỉ sau 11 tháng năm 2018. Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017). Xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Đánh giá về tình hình XK năm 2018, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, con số XK năm 2018 vừa đạt được là một con số rất tích cực vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, ngay từ đầu năm, khi ta đặt mục tiêu xuất khẩu thì còn khá thận trọng khi chỉ đặt mục tiêu 10%. Việc đặt ra mức này là vì chúng ta đã tính đến những khó khăn của bối cảnh kinh tế toàn cầu, cùng với đó là nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng XK sẽ giảm dần theo các quý, đây là một điều rất khác so với các năm trước đây. Tuy nhiên, thực tế, tốc độ tăng trưởng XK cả năm đã vượt khá cao so với mục tiêu đề ra, là con số tích cực.

Thứ hai, trong XK, bên cạnh việc chi phối của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì một số lĩnh vực thì XK của Việt Nam cũng khả quan. Thí dụ, nhờ giá dầu tăng mà XK mặt hàng này đã đem lại giá trị lớn hơn cho ngành sản xuất dầu và cả ngân sách. “Đặc biệt, một số lĩnh vực trước đây có giá trị gia tăng thấp, nhưng nay đã có sự cải thiện đáng kể và cũng tận dụng cái "cơ trong nguy" để có mức xuất khẩu tốt hơn, đơn cử như dệt may, da giày, đồ gỗ... đã có chuyển biến khá tích cực” – ông Võ Trí Thành nhận định.

Việt Nam được đánh giá là một nước đang trên đà hội nhập sâu rộng, đặc biệt là hội nhập quốc tế về kinh tế. Nhiều FTA đã được ký kết, nhiều FTA sắp có hiệu lực, trong đó đáng chú ý là Hiệp định CPTPP và FTA Việt Nam – EU. Do đó, thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Bộ Công Thương đặt ra là sẽ tích cực phổ biến các ưu đãi từ các hiệp định này, giúp DN có thể tận dụng tối đa. Đồng thời, tìm hiểu về các quy định khắt khe của các thị trường để tránh và lách được các chướng ngại nhằm đưa hàng Việt Nam đến nhiều thị trường hơn nữa.

Cùng với đó, các DN được khuyến cáo phải tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa XK để tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, khẳng định sức cạnh tranh thông qua thương hiệu. Đặc biệt, thay vì hoạt động đơn lẻ, cần phối hợp, liên kết với nhau để nâng cao sức mạnh tổng hợp của cả ngành hàng, tạo nên sức cạnh tranh tổng thể cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top