Huyện Ðiện Biên triển khai sản xuất vụ đông xuân

09:14 - Thứ Hai, 07/01/2019 Lượt xem: 10519 In bài viết

ĐBP - Vụ đông xuân 2018 - 2019, huyện Ðiện Biên gieo cấy hơn 5.100ha lúa; trong đó các xã vùng lòng chảo 3.713ha, hơn 1.387ha của các xã vùng ngoài. Cơ cấu giống chung toàn huyện gồm 50 - 55% giống Bắc thơm số 7; 25 - 35% giống IR64 và các giống nếp; các giống khác chiếm 15 - 20%. Trà chính sẽ kết thúc gieo cấy trước ngày 25/1/2019; trà muộn (đối với 4 xã vùng ngoài là: Nà Tấu, Pá Khoang, Mường Phăng, Nà Nhạn) sẽ kết thúc gieo cấy trước ngày 10/2/2019.

 

Nông dân đội 4A, xã Thanh Xương mua thóc giống tại Hợp tác xã Dịch vụ kinh doanh tổng hợp nông - lâm nghiệp xã Thanh Xương.

Ðể sản xuất lúa vụ đông xuân 2018 - 2019 đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng quy trình sản xuất lúa đông xuân chung cho toàn huyện. Trên cơ sở đó các xã cần căn cứ điều kiện địa phương để xây dựng quy trình phù hợp.

Vụ đông xuân 2018 - 2019, xã Thanh Xương gieo cấy hơn 300ha. Theo cơ cấu giống chung của huyện thì giống Bắc thơm chiếm 50 - 55%, tuy nhiên qua việc đăng ký giống của người dân, đến thời điểm này giống Séng cù (chưa nằm trong cơ cấu giống) chiếm đến 50 - 60%, Bắc thơm số 7 chiếm 20% còn lại 15% là giống Ðài thơm 8 và 15% các giống khác. Ông Lò Văn Bun, cán bộ khuyến nông xã Thanh Xương cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do vài năm trở lại đây gạo Séng cù bán giá cao hơn so với các giống khác; thứ hai giống Bắc thơm thời gian trước là giống chủ lực, nhưng qua thời gian dài sản xuất đến nay dễ nhiễm nhiều loại sâu, bệnh hại dễ mất mùa nên người dân không sử dụng phổ biến. Còn đối với giống Ðài thơm 8, thời gian gần đây được các doanh nghiệp thu mua nhiều nên người dân mua giống về sản xuất. Vụ sản xuất này xã được huyện hỗ trợ 8 máy cấy kéo tay. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: giảm 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, 1/3 chi phí về phân bón, công lao động, đặc biệt quan trọng là sử dụng phương pháp cấy này khử lẫn rất hiệu quả. Những hộ đăng ký sử dụng máy cấy đều đã tham gia thử nghiệm phương pháp này ở vụ mùa 2018.

Bà Ðặng Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên, cho biết: Huyện Ðiện Biên là địa bàn sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, tuy nhiên trong những năm gần đây tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn. Do đó chi phí sản xuất ngày một tăng, lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sử dụng ngoài đồng ruộng nhiều gây ô nhiễm nguồn nước và không khí. Ngoài ra, tình trạng lúa lẫn có chiều hướng tăng cao, khó kiểm soát làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến tâm lý nông dân. Ðể cải thiện tình hình và qua thử nghiệm 1 số diện tích tại vụ mùa 2018 tại xã Thanh Xương, vụ đông xuân 2018 - 2019, xã Thanh Xương được huyện hỗ trợ máy cấy kéo tay để nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Bên cạnh đó, vụ này là vụ đầu tiên nông dân các đội: 1, 5, 6 của xã Thanh Hưng sản xuất trên diện tích gần 40ha ruộng dồn điền đổi thửa, nên cần được theo sát về kỹ thuật. Bởi khi dồn điền đổi thửa thì tầng canh tác và tầng đế cày hay diện tích canh tác lâu năm bị xáo trộn, các tầng ngăn nước, ngăn chất dinh dưỡng bị mất nên cần hướng dẫn kỹ thuật cho người dân để hạn chế thiệt hại và thất thu.

Nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh điều kiện sản xuất có những diễn biến phức tạp, UBND huyện Ðiện Biên chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường cử cán bộ bám cơ sở, phối hợp kiểm tra đồng ruộng, vận hành trạm bơm, nạo vét kênh mương để cung cấp nước kịp thời cho người dân sản xuất. Thời điểm này, trên vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên, nông dân đang làm đất, dọn bờ thửa chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân, các cơ quan chuyên môn của huyện cần tập trung phối hợp chính quyền các xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng đầu vào các loại giống, phân bón phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top