Về bản Lồng xem nông dân làm giàu

09:58 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 8851 In bài viết

ĐBP - Bản Lồng, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) cách trung tâm xã 7km, cách quốc lộ 6 chừng 10km. Do không thuận lợi như một số bản khác gần quốc lộ 6, đất đai phù hợp với phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao nên người dân bản Lồng có cách làm giàu riêng. Gần đây, tranh thủ lợi thế được đầu tư công trình thủy lợi, đất rừng, nhân lực lao động dồi dào, bản Lồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng hàng hóa, nhờ đó nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 

Vợ chồng anh Mùa A Tòng chăm sóc cây sa nhân giống.

Ông Vàng A Dế, Trưởng bản Lồng cho biết: Trước đây, người dân trong bản chủ yếu trồng cây lúa, cây ngô… trên nương, phụ thuộc vào “nước trời”. Khi được Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất trên nương xuống ruộng. Các gia đình cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang, khai hoang những nơi đất trống bỏ hoang làm ruộng gieo cấy lúa nước. Từ sản xuất lúa nước, người dân nhận thấy năng suất lúa ruộng cao gấp 4 lần lúa nương (lúa nương năng suất 10 tạ/ha, lúa ruộng 40 tạ/ha), ít tốn công sức thời gian, canh tác bền vững. Lúa nước là nguồn lương thực ổn định, đảm bảo đời sống các gia đình. Ngoài chuyển đổi trồng lúa nước, người dân bản Lồng còn thử nghiệm trồng cây ăn quả, sa nhân ở diện tích đất nương và các khe suối. Bản Lồng và nhiều bản khác trong xã Tỏa Tình được Nhà nước hỗ trợ cây giống sơn tra, trồng trên diện tích đất nương bạc màu. Dưới tán rừng, những khe núi đồi có nguồn nước, dân bản trồng thử nghiệm cây sa nhân. Qua nhiều năm lao động cần cù chăm sóc, 2 loại cây trồng mới: sơn tra, sa nhân đã giúp nhiều hộ cải thiện thu nhập, giảm nghèo nhanh.

Ði đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo của bản Lồng là gia đình ông Mùa A Tòng. Hiện nay, gia đình ông Tòng có 2ha đất nương trồng sơn tra, hàng nghìn gốc sa nhân trồng dưới tán rừng, nuôi nhím, lợn, gà. Năm 2018 mặc dù mất mùa và rớt giá nhưng gia đình ông cũng bán được 30 triệu đồng từ loại quả này. Ngoài ra, ông Tòng có nguồn thu đáng kể từ bán quả sơn tra khoảng 50 triệu đồng. Thu nhập khá, vợ chồng ông Tòng có điều kiện nuôi con ăn học, cuộc sống gia đình no ấm hơn. Ở bản Lồng nhiều gia đình có cuộc sống khấm khá hơn nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng như cách làm của gia đình ông Mùa A Tòng. Những hộ có thu nhập cao và ổn định từ trồng sa nhân và sơn tra ở bản Lồng còn có gia đình các ông: Mùa A Vàng, Mùa A Tùng, Mùa Bua Dình... Nguồn thu nhập cao và ổn định của người dân bản Lồng bây giờ là 40ha cây sơn tra, 38ha cây sa nhân. Hàng chục héc ta đất ruộng gieo cấy lúa nước, là nguồn lương thực ổn định, đảm bảo đời sống người dân, tình trạng phát rừng sản xuất lúa nương không còn. 

Ðến bản Lồng vào dịp sắp sang năm mới, hai bên đường, những cây sơn tra đã rụng hết lá do thời tiết chuyển mùa. Trên sườn đồi, dưới thung sâu, đây đó thấp thoáng cây đào bung nụ. Phần lớn các gia đình trong bản có nhà khang trang, sân, nền nhà lát đá hoặc làm bê tông. Bên hiên nhà, các bà, các mẹ và những thiếu nữ Mông cặm cụi thêu dệt bộ trang phục mới, vệ sinh nhà ở... chuẩn bị đón xuân. Bản Lồng giờ đây nhiều hộ đã biết làm giàu chính đáng, con em tích cực học tập, thanh niên thi đua phát triển kinh tế. Mùa xuân mới đang đến với người dân vùng cao nơi đây, cuộc sống no ấm bình yên đã trở thành hiện thực.

Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top