Lộc rừng

10:02 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 9684 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh vùng Tây Bắc, có diện tích tự nhiên trên 954.124ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 776.622ha, Ðiện Biên không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn bởi những đặc sản đậm chất núi rừng.

 

Những ngày xuân là thời điểm nhiều người dân vùng cao Ðiện Biên vào mùa khai thác “lộc rừng”.

Sống nhờ “lộc rừng”

Những ngày mưa rét cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp Giàng A Cử, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) đang bán hàng trên vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ). Trước mặt Cử là một đống nấm ngọc cẩu còn bám đầy đất rừng, bên trong lu cở phía sau vẫn còn khá nhiều. Nhìn đôi bàn tay thô ráp, đen đúa đang lựa nấm của Cử, tôi phần nào hình dung nỗi cực nhọc của anh để có được chỗ sản phẩm này đem bán. “Sắp hết mùa rồi, cái này khó kiếm lắm. Mấy hôm nay mưa suốt, đường vào rừng vừa trơn vừa khó đi, côn trùng, vắt bám khắp người. Ðể có được từng này thì 3 người trong gia đình đã phải đi từ sớm, đến tối mịt mới về - Cử nhanh miệng thanh minh vì sợ khách chê đắt.

Cách đó không xa, một đôi vợ chồng đang lựa những củ măng rừng to, nhỏ tách riêng, có lẽ là để phân giá bán. Lại gần hỏi chuyện, được biết, họ trong xã Mường Nhà (huyện Ðiện Biên) ra đây từ sáng sớm. Số măng này là kết quả cả 1 ngày đi rừng của 2 vợ chồng hôm qua. “Ðồ từ rừng thì nhiều lắm. Mùa nào có cái gì thì mình đi kiếm cái đó để bán. Không làm giàu được, nhưng cũng đủ nuôi bọn trẻ” - Quàng Văn Thức, người chồng cho biết.

Không phải giới thiệu nhiều thì có lẽ không ít người đều biết măng đắng Mường Nhà lâu nay đã nức tiếng và được nhiều người ưa chuộng. Chính vì thế, chỉ trong phút chốc số măng của vợ chồng Thức đã bán hết. Tôi quyết định theo họ, để được trải nghiệm một ngày kiếm “lộc rừng”.

Mới 6 giờ sáng, từ lán nương nhỏ của gia đình anh Thức, chúng tôi chuẩn bị đồ đạc cần thiết, khoác lu cở trên vai bắt đầu hành trình vào rừng đào măng. Trời mưa lất phất, chúng tôi phải luồn qua những bụi cây rậm rạp để đến khu vực rừng măng. Tìm măng rất dễ, bởi mầm nhú lên trên mặt đất; nhưng để đào được một củ hoàn chỉnh thì khá vất vả.

Ðể không nhàm chán, vừa đào măng anh Thức vừa nói chuyện: “Ðào măng này vất vả, nhưng cũng đỡ hơn tìm một số sản vật khác. Vì măng thường ở những khu rừng ngoài, không phải đi sâu vào trong. Rừng khu này thì nhiều loại đặc sản lắm. Một số loại như: Mật ong, nấm… thì phải vào tận rừng già, mà đi vài ngày, mang theo đồ ăn và nghỉ lại trong rừng”.

Không phải nghề chính, nhưng anh Thức cũng có tiếng trong vùng với nghề tay trái là săn sản vật rừng. Ngoài làm nương, anh dành gần như toàn bộ thời gian còn lại để vào rừng. Ðầu năm là thời điểm thích hợp để khai thác măng; sang tháng 3 đến mùa săn mật ong rừng; rồi những mùa chuối hột, mùa nấm, mùa chít gối tiếp nhau. Tuy nhiên, người khai thác bài bản thành nghề như anh không nhiều, chủ yếu bà con chỉ tranh thủ lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập.

Bao đời nay, nhiều thế hệ như anh Thức, anh Cử đều sinh ra, lớn lên và sống gắn bó với rừng. Không chỉ bảo vệ, rừng mang lại cho họ những nguồn lợi không thể đong đếm cả về kinh tế và đời sống. Những nguồn thu từ khai thác sản vật quanh năm đã giúp cho nhiều đứa trẻ được phát triển, đến trường; nhiều ngôi nhà khang trang và bữa ăn thêm no đủ. Mùa nào thức nấy, chỉ cần chịu khó là có thể “ấm bụng”. Song, đâu đó một số người, ở một thời điểm nào đó đã quên rằng “lộc rừng” sẽ không thể sinh ra mãi mãi, nếu không được nuôi dưỡng, bảo vệ. Chính vì thế, bảo vệ và phát triển rừng hiện là bài toán mà chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm cách giải.

Ðể rừng mãi sinh lộc

Ai cũng biết, Ðiện Biên là tỉnh miền núi nên người dân sống dựa vào rừng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài những đặc sản có tiếng, rừng ở đây còn có rất nhiều loại cây được người dân sử dụng làm thuốc quý, nhuộm vải, chế biến món ăn… Song có một điều mà ít ai quan tâm, đó là rừng ngày càng mất đi. Ðiều này cũng lý giải vì sao thay vì nói “đi lấy lộc rừng”, giờ đây người ta phải dùng từ “săn lộc rừng”. Và những chuyến đi “săn” ấy ngày một khó khăn, vất vả hơn. Hiểu giá trị của rừng, nhưng chỉ đến khi mọi thứ trở nên không dễ dàng, người ta mới thật sự thấm việc bảo vệ rừng có ý nghĩa như thế nào.

Vài năm trở lại đây, công cuộc trồng và bảo vệ rừng bắt đầu được nhiều địa phương quan tâm đẩy mạnh. Trước tiên là từ việc tuyên truyền để mỗi người dân tự nâng cao ý thức. Vừa tập trung bảo vệ rừng hiện có, địa phương vừa khuyến khích phát triển khoanh nuôi tái sinh rừng, đồng thời thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Riêng năm 2018, ước tính diện tích rừng tập trung mà các địa phương trong tỉnh đã trồng và chăm sóc đạt 1.542ha, tăng 52,76% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng giao khoán khoanh nuôi tái sinh ước đạt 10.789ha, tăng 42,55% so với cùng kỳ. Còn trong cả giai đoạn 2016 - 2018, con số này là 3.808ha rừng trồng, 18.543ha khoanh nuôi tái sinh. Qua đó, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2018 của toàn tỉnh ước đạt 39,74%, tăng 1,34% so với thời điểm năm 2015.

Ðặc biệt, từ năm 2017, lần đầu tiên ngành Kiểm lâm tỉnh nhà phối hợp với Dự án Quản lý thiên nhiên bền vững của tổ chức Jica (Nhật Bản) triển khai thử nghiệm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng bằng công nghệ không gian địa lý. Với ứng dụng khoa học này, lực lượng chức năng quản lý bảo vệ rừng hiệu quả hơn, thông qua việc phát hiện kịp thời các biến động tăng, giảm của rừng qua ảnh vệ tinh, với tỷ lệ chính xác đạt khoảng 75 - 80%.

Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được ủy thác, đứng ra tiếp nhận các nguồn thu lên đến hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu từ các nhà máy thủy điện, dịch vụ nước, dịch vụ du lịch thuộc các lưu vực: Sông Ðà, sông Mã và nội tỉnh, trên địa bàn 8 huyện, thị xã, với tổng diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 214.143ha. Số tiền chi trả cho các chủ rừng tăng lên mỗi năm; bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được khoảng 115 triệu đồng/năm.

Bằng cách làm cụ thể ấy, những cánh rừng bắt đầu xanh hơn và “giàu có” trở lại, đời sống người dân trực tiếp tham gia bảo vệ, phát triển rừng từng bước cải thiện. Cũng từ đó, họ ý thức và quan tâm hơn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng rừng.

Và những ngày xuân mới này, khi hoa đào, mơ, mận nở rộ trên những cánh rừng, triền núi, thì cũng là lúc người dân khắp các vùng núi cao Ðiện Biên lại tất bật vào mùa khai thác “lộc rừng”. Trên các con đường mòn dẫn lối vào rừng, những con người như anh Cử, hay vợ chồng anh Thức… vẫn cặm cụi, tất tưởi tìm “lộc rừng” với niềm mong mỏi sẽ có thêm bộ áo ấm, gói quà và một cái tết đủ đầy hơn cho những đứa con.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top