Lúa nước khẳng định vị trí cây trồng chủ lực

10:06 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 11354 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, lúa gạo luôn là sản phẩm chủ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh ta. Ðiều này thể hiện rõ qua các chỉ số: Diện tích, năng suất, sản lượng liên tục tăng qua các năm; các giống lúa mới liên tục được thử nghiệm…. Ðồng thời tỉnh ban hành hàng loạt chính sách thu hút đầu tư; tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa gạo nhằm xây dựng thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm lúa gạo Ðiện Biên trong thị trường nông sản Việt Nam.

 

Dây chuyền hiện đại chế biến gạo của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên (huyện Ðiện Biên).

Diện tích, sản lượng tăng

Theo thống kê, những năm qua diện tích lúa nước trên địa bàn tỉnh tăng ổn định từ 2 - 3%/năm. Nếu như năm 2011, tổng diện tích lúa nước khoảng 24.103ha thì năm 2018 tăng lên 28.000ha; năng suất bình quân từ 55,7 tạ/ha tăng lên 62 tạ/ha.

Huyện Ðiện Biên được thiên nhiên ưu đãi cho cánh đồng Mường Thanh lớn nhất khu vực Tây Bắc, đất đai màu mỡ cho ra sản phẩm gạo nổi tiếng cả nước. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương cấp 1, 2, 3 để tăng năng lực tưới tiêu, đến nay diện tích lúa 2 vụ của huyện Ðiện Biên đạt trên 5.100ha. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện luôn xây dựng kế hoạch, quy trình sản xuất, cơ cấu giống hợp lý, hạn chế tối đa tác động xấu từ thời tiết, dịch bệnh nên cây lúa cho năng suất cao. Hiện nay, 90% diện tích cánh đồng Mường Thanh gieo trồng các giống lúa cao sản; 100% diện tích được cơ giới hóa trong khâu làm đất; các giống lúa mới liên tục được thử nghiệm; năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Nông dân tập trung thâm canh, dồn điền đổi thửa, sản xuất lúa gạo theo hướng hàng hóa.

Ông Lò Văn Quân, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cho biết: Gần 30 năm làm nông nghiệp tôi nhận thấy sản xuất lúa nước trên cánh đồng Mường Thanh rất ít khi bị mất mùa; năng suất, sản lượng ổn định và cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Ðiển hình là vụ mùa năm 2018, gia đình tôi sản xuất thử nghiệm giống Séng cù trên diện tích 1.000m2, năng suất 90 tạ/ha, tăng gần 30 tạ/ha so với Bắc thơm số 7. Thu hoạch xong thương lái đến tận nhà mua với giá 14.000 đồng/kg, cao hơn các giống khác 6.000 đồng/kg.

Không có điều kiện canh tác thuận lợi nhưng các huyện vùng cao: Tủa Chùa, Mường Ảng, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Ðiện Biên Ðông... cũng có chuyển biến rõ về diện tích, năng suất lúa gạo. Ðiển hình như huyện Nậm Pồ, khi thành lập huyện năm 2013, diện tích lúa 2 vụ chỉ có khoảng 70ha, các xã vùng cao không sản xuất vụ đông xuân. Sau 5 năm nỗ lực kiến thiết, đến nay toàn huyện đã có gần 200ha lúa 2 vụ. Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Cách làm của huyện là tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rằng sản xuất lúa nước luôn cho năng suất, hiệu quả kinh tế hơn các loại cây trồng trên nương. Ðồng thời, triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích người dân khai hoang, mở rộng diện tích. 3 năm gần đây, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, mỗi vụ sản xuất, phòng đều kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ người dân một số giống lúa mới. Do đó, diện tích lúa 2 vụ của huyện Nậm Pồ mấy năm gần đây liên tục tăng, năng suất ổn định khoảng 45 tạ/ha.

Xây dựng thương hiệu gạo Ðiện Biên

Khi diện tích, năng suất ngày càng tăng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Ðiện Biên cũng được chú ý. Gạo Ðiện Biên nổi tiếng cả nước bởi độ thơm, dẻo, ngon. Trong các giải pháp triển khai xây dựng thương hiệu gạo Ðiện Biên, tỉnh tăng cường liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) trong sản xuất. Với hướng đi này, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia. Ðến nay, toàn tỉnh đã có gần 10 chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo Ðiện Biên. Ðiển hình như: Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, HTX Nông nghiệp chất lượng cao bản Mé, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên với tổng diện tích thực hiện khoảng 200ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Phòng Trồng trọt; Chi cục bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản… luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.

Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Hiện nay, Công ty đang liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi an toàn, tức là tăng cường liên kết trong sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn, quy mô 50ha lúa thuần chất lượng cao. Công ty đã đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại để chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm đúng tiêu chuẩn trước khi cung cấp ra thị trường. Ðồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ hình ảnh, bao bì và dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm

Mới đây, Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sản xuất lúa gạo Ðiện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng. Công ty tổ chức ký kết hợp đồng với nông dân để cung cấp giống theo tiêu chuẩn quy định; cung cấp phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn quy trình sản xuất; cam kết thu mua lúa tươi tại ruộng cho nông dân khi đến vụ thu hoạch với giá bình quân cao hơn 10% so với thị trường. Dự kiến đến năm 2020, vùng liên kết của dự án khoảng 300ha lúa. Từ năm 2020 - 2035 cung cấp sản phẩm ra thị trường ổn định với mức 3.000 tấn gạo/năm.

Hiện nay, sản phẩm gạo Ðiện Biên được sản xuất theo chuỗi liên kết đã có mặt tại các siêu thị trong tỉnh và một số siêu thị lớn trên toàn quốc. Hy vọng rằng, với những chính sách, chiến lược phát triển hợp lý, thời gian tới sản phẩm gạo Ðiện Biên sẽ có thị phần tốt trong thị trường nông sản Việt Nam.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top