Góp đất trồng cà phê ở Tuần Giáo

Bao giờ sổ đỏ về tay dân?

10:46 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 9954 In bài viết

ĐBP - Câu chuyện về Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa và cây cà phê ở Tuần Giáo tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng. Nhiều diện tích cà phê kém hiệu quả cũng được chuyển đổi sang cây trồng khác, khá hơn so với trồng cà phê. Thế nhưng, ít ai biết rằng, diện tích người dân góp vốn trồng cà phê năm ấy đã được Công ty hoàn thiện mọi thủ tục và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, Công ty đã dùng sổ đỏ đó thế chấp ngân hàng để vay tiền mà người dân không hề hay biết… Và đến nay, sau gần 5 năm, số sổ đỏ ấy vẫn chưa thể về tay chủ nhân thực sự của chúng.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân xã Quài Cang, Quài Nưa vẫn nằm tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tuần Giáo.

Ngược thời gian về năm 2012 - 2013, khi Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa mới bắt đầu xây dựng nền móng cho việc phát triển cây cà phê ở Tuần Giáo. Để có đất trồng cây, Công ty kêu gọi người dân nơi đây góp vốn bằng chính tư liệu sản xuất của mình. Đáp lại lời kêu gọi đó, gần 820 hộ dân ở xã Quài Cang và Quài Nưa quyết định góp 275,94ha đất nương cho Công ty với hi vọng sớm thoát khỏi đói nghèo. Trên cơ sở đó, Công ty thuê Trung tâm Thông tin kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) tiến hành đo đạc, khảo sát, lập hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất trên. Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, tháng 4/2013, UBND huyện Tuần Giáo có Quyết định cấp 1.433 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gần 820 hộ gia đình ở xã Quài Cang, Quài Nưa để góp vốn cổ phần với Công ty Thái Hòa tham gia phát triển cây cà phê tại địa bàn huyện Tuần Giáo. Nắm sổ đỏ trong tay, tháng 12/2013, Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa và Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam - Sở giao dịch ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số 19/12/BĐ. Theo đó, tài sản thế chấp là toàn bộ quyền sử dụng đất, diện tích đất trồng cà phê và cây cà phê trên 275,94ha tại 2 xã Quài Cang, Quài Nưa của gần 820 hộ dân góp vốn vào Công ty theo hợp đồng góp vốn đã ký trước đó. Nếu như mọi việc “thuận buồm xuôi gió”, cây cà phê bén duyên Tuần Giáo mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và người dân thì việc thế chấp này có thể coi là bước đi quan trọng. Thế nhưng, việc kinh doanh không được như mong đợi nên Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa buộc phải “dứt áo ra đi”. Trước sức ép từ nhiều phía, Công ty giao lại toàn bộ diện tích trồng cây cà phê cho các hộ dân góp vốn tự chăm sóc, thu hoạch hoặc tự sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả. Đất đã bàn giao nhưng hơn 1.400 sổ đỏ Công ty mang làm vật thế chấp vẫn chưa kịp trao về tay những người chủ thực sự của chúng. Đến nay, sau gần 5 năm được cấp, hơn 1.400 sổ đỏ ấy vẫn nằm ngay ngắn trên… nóc tủ hồ sơ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tuần Giáo mặc cho bụi phủ trong khi gần 820 hộ dân không hề hay biết.

Gia đình ông Lò Văn Biến, bản Giáng, xã Quài Nưa là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia và góp hơn 1ha vào dự án trồng cây cà phê của Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa. Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về cây cà phê, đặc biệt là khi nhắc đến vấn đề giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích cà phê ông Biến tỏ ra khá bất ngờ. Ông Biến chia sẻ lúc tham gia vào dự án, Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa có nói là làm hợp đồng để người dân góp đất trồng cà phê. Còn có làm sổ đỏ hay mang đất đi thế chấp vay tiền ở đâu thì ông cũng như người dân trong bản không hề hay biết. Chính xác là đến thời điểm này, ông vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào về việc làm sổ đỏ. Bây giờ, diện tích ông góp vốn năm xưa cũng đã chuyển đổi sang mục đích khác nhưng còn không ít hộ dân vẫn duy trì việc chăm sóc thu hoạch cây cà phê. Nếu đã được cấp sổ đỏ rồi, ông cũng muốn được nhận để có thể thuận tiện cho việc sản xuất, kinh doanh hoặc tham gia góp vốn, cổ phần vào các dự án khác triển khai trên địa bàn. Ngoài trường hợp của ông Biến, một số trường hợp hộ dân khác đang “vướng” thủ tục khi tham gia góp đất vào dự án khác trên địa bàn. Bởi các hộ dân này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây cà phê thì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mục đích khác. Vì thế, họ cũng đang mong được nhìn thấy những tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên mình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lò Văn Quân, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo cho biết: Toàn bộ việc đo đạc, khảo sát, lập hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa thuê Trung tâm Thông tin kỹ thuật tài nguyên và môi trường (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) thực hiện. Sau khi hoàn thành các công việc này, Công ty Cổ phần Cà phê Thái Hòa chưa thanh toán tiền cho phía Trung tâm. Vì vậy, Trung tâm trao đổi với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo đề nghị chưa trả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân cho phía Công ty nên số giấy trên vẫn đang được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo quản lý. Về vấn đề thế chấp với Ngân hàng Hàng Hải - Sở giao dịch, Phòng mới chỉ đăng ký xác nhận cho 2 bên nhưng chưa xác nhận cụ thể vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân. Hơn nữa, đến nay cũng chưa thấy phía Ngân hàng Hàng Hải đề cập đến vấn đề này. Người dân vẫn canh tác, sản xuất bình thường trên diện tích 275,94ha đó. Còn về hướng giải quyết số sổ đỏ trên, Phòng cũng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường để xem xét hướng giải quyết và bàn giao lại giấy chứng nhận đã cấp cho người dân.

Như đã nói ở trên, dẫu cho dự án cà phê đã thất bại, người dân xã Quài Cang, Quài Nưa không còn mặn mà với loài cây từng được coi là hướng thoát nghèo đó nữa. Nhưng điều quan trọng hiện nay là với hơn 1.400 sổ đỏ đã cấp, phải làm sao giao về đúng tay những chủ nhân thực sự của chúng. Mong rằng, các cơ quan, đơn vị liên quan đến vấn đề này khẩn trương có phương án giải quyết sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên và đảm bảo lợi ích của người dân.

Tiếu Sinh
Bình luận
Back To Top