Hiệu quả từ quản lý xây dựng theo cơ chế đặc thù

14:20 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 10898 In bài viết

ĐBP - Ngày 2/12/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 161/2016/NĐ-CP về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, UBND các xã sẽ được trực tiếp “trao quyền” thực hiện một số dự án nhóm C có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp. Qua hơn 2 năm triển khai, đến nay việc quản lý xây dựng theo cơ chế đặc thù giúp rút ngắn thời gian, kinh phí xây dựng, đặc biệt là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng các dự án đầu tư xây dựng.

Tổ, nhóm thợ thi công tuyến đường bê tông vào bản Co Sản, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng.

Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhóm C quy mô nhỏ tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Quản lý dự án, lập hồ sơ xây dựng công trình, giám sát thi công do ban quản lý cấp xã và ban giám sát cộng đồng không đảm bảo năng lực chuyên môn và không thực hiện đầy đủ các quy định về công tác nghiệm thu công trình theo Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ Xây dựng; tổ chức lựa chọn nhà thầu là các tổ nhóm thợ, cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể… khiến UBND các huyện lúng túng trong triển khai thực hiện. Do đó, UBND tỉnh phải nhiều lần ban hành, sửa đổi các văn bản để cụ thể hóa Nghị định 161/2016/NĐ-CP dẫn đến các dự án triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch giao. Năm 2018, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đầu tư xây dựng theo nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Sở Xây dựng đã ban hành Văn bản số 503/SXD-HTKT,QLN&BĐS, ngày 24/5/2018 về việc trả lời một số khó khăn vướng mắc của địa phương trong quá trình thực hiện dự án nhóm C quy mô nhỏ được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Xây dựng đã trả lời, làm rõ 14 nội dung kiến nghị về áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị định 161/NĐ-CP mà các huyện thường gặp khó. Nhờ đó, trong năm 2018, khi nguồn vốn được phân bổ, các huyện đều thực hiện cơ bản đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP.

Năm 2018, huyện Mường Chà được phân bổ 1,35 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng 3 nhà văn hóa bản tại xã Mường Mươn. Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2018, UBND xã được “trao quyền” làm chủ đầu tư 3 công trình nhà văn hóa tại các bản: Mường Mươn 2, Pú Chả và Pú Múa; định mức đầu tư 500 triệu đồng/nhà văn hóa; trong đó vốn Nhà nước 450 triệu đồng, nhân dân đóng góp 50 triệu đồng. Quá trình triển khai, được sự giúp đỡ của các phòng, ban chuyên môn huyện, đặc biệt là sự hướng dẫn của Sở Xây dựng - cơ quan “đỡ đầu” của xã Mường Mươn nên việc quản lý xây dựng theo cơ chế đặc thù trên địa bàn xã tiến hành khá thuận lợi. Quản lý xây dựng theo cơ chế đặc thù, mỗi công trình, UBND xã thành lập Ban giám sát cấp xã do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã là trưởng ban; tổ giám sát cấp bản do trưởng bản làm tổ trưởng; thi công công trình là các tổ, nhóm thợ trên địa bàn. Người dân được tham gia bàn, kiểm tra từ khi bắt đầu triển khai đến khi dự án kết thúc. Do đó, các dự án đầu tư xây dựng được người dân đồng thuận, hoàn thành đúng kế hoạch. Điển hình như Dự án Nhà văn hóa bản Pú Múa, người dân không chỉ đóng góp 10% tổng mức đầu tư mà còn góp tiền mua đất để có địa điểm xây dựng nhà văn hóa. Trong quá trình thi công, người dân còn trực tiếp tham gia góp ngày công hỗ trợ vừa giám sát thi công. Nhờ đó, Nhà văn hóa bản Pú Múa với khuôn viên 200m2 đã hoàn thành đúng kế hoạch.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, năm 2018 việc triển khai thực hiện quản lý xây dựng theo cơ chế đặc thù đã được triển khai khá bài bản và đạt hiệu quả. Như công trình Thủy lợi Na Dên (bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên) được đầu tư xây dựng năm 2018 với tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Công trình do UBND xã Mường Pồn làm chủ đầu tư, thi công là nhóm thợ trên địa bàn. Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1 cho biết: Thực hiện dự án, người dân được tham gia từ đầu đến cuối. Bản thành lập tổ giám sát. Mỗi ngày, bản cử 8 người đại diện cho 8 hộ dân, trong đó có 1 người là thành viên tổ giám sát thay nhau hỗ trợ tổ nhóm thợ vận chuyển vật liệu: Cát, đá, xi măng từ điểm tập kết đến địa điểm xây dựng. Nhờ đó, các công đoạn, hạng mục thi công có vấn đề phát sinh đều được người dân, tổ giám sát phát hiện kịp thời và báo cáo với ban giám sát công trình cấp xã để xử lý; các yêu cầu, góp ý của người dân, tổ giám sát đều được tổ thợ tiếp thu và thực hiện.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top