Tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng cao

07:38 - Thứ Bảy, 16/02/2019 Lượt xem: 9454 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tỉnh ta cũng chú trọng triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn. Dự án liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp là một trong những dự án điển hình hỗ trợ sản xuất cho người dân.

Các dự án liên kết chuỗi giúp tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng cao trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: Người dân xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) tham gia dự án liên kết trồng rau an toàn.

Năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 37 dự án liên kết sản xuất áp dụng giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Ðến nay, đã có 27/37 dự án đang được triển khai. Trong đó, các huyện Mường Chà, Tuần Giáo, Mường Ảng tập trung hỗ trợ phát triển khoảng 168,2ha cây ăn quả (bưởi da xanh, vú sữa, xoài Ðài Loan, nhãn chín muộn, bưởi Diễn); huyện Tủa Chùa phát triển chuỗi liên kết sản xuất chè; huyện Ðiện Biên xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao; huyện Ðiện Biên Ðông phát triển dự án chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ khoai sọ, bí đao; huyện Mường Nhé, Nậm Pồ xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi thủy sản, phát triển cây dược liệu...

Bà Mai Thị Trang, Trưởng phòng Quản lý Kinh tế nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Các địa phương xây dựng, phát triển dự án liên kết chuỗi sản xuất bằng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nguồn ngân sách địa phương. Theo đó, căn cứ vào điều kiện thực tế, thế mạnh của địa phương, các xã lựa chọn sản phẩm để xây dựng liên kết chuỗi đăng ký với UBND huyện, sau đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt. Các dự án hỗ trợ theo liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp chỉ được phê duyệt khi đảm bảo các quy định bắt buộc về quy mô, hình thức hỗ trợ trồng tập trung và phải đủ các thành phần: Chủ đầu tư, đơn vị chủ trì, đối tượng thụ hưởng, đơn vị cung cấp đầu vào và đơn vị bao tiêu sản phẩm. Với hình thức liên kết chuỗi khép kín, mỗi thành phần tham gia vào dự án đều có trách nhiệm đối với từng khâu theo từng quy trình sản xuất, trong đó người nông dân sẽ luôn được đồng hành với chính quyền, nhà khoa học và doanh nghiệp, không còn nỗi lo về tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, hiệu quả của các dự án sẽ được đảm bảo.

Năm 2018, huyện Ðiện Biên Ðông được UBND tỉnh phê duyệt 3 dự án liên kết chuỗi sản xuất: Liên kết sản xuất lúa, gạo nếp thơm hạt to chất lượng cao tại xã Pú Hồng; liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm khoai sọ an toàn tại xã Phì Nhừ và liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm bí đao tại xã Tìa Dình. Các dự án đều do UBND các xã làm chủ đầu tư, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật. Ông Vũ Ngọc Hoành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Hiện nay, các dự án liên kết chuỗi sản xuất đã được triển khai thực hiện. Trong đó dự án trồng, tiêu thụ sản phẩm khoai sọ và bí đao ở 2 xã Phì Nhừ và Tìa Dình đã có sản phẩm. Người dân bước đầu có thêm thu nhập. Năm 2019, UBND huyện giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển cây khoai sọ và bí đao cho 2 xã Phì Nhừ và Tìa Dình; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành, hướng dẫn UBND xã và người dân xây dựng các “mắt xích” còn thiếu để hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ 2 sản phẩm này.

Cây bí đao là sản phẩm nông nghiệp khá nổi tiếng của xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông), là cây trồng gắn bó với người dân từ bao đời nay. Ở Tìa Dình, mỗi hộ gia đình đều dành một diện tích nhất định để trồng bí đao với mục đích phục vụ nhu cầu gia đình và bán lẻ cho các tiểu thương kiếm thêm thu nhập. Năm 2018, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và dự án liên kết sản xuất theo chuỗi đã giúp người dân Tìa Dình thay đổi phương thức sản xuất đối với cây bí đao. Thay vì trồng nhỏ lẻ, người dân đã trồng tập trung, đăng ký tham gia vào dự án của xã để được tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, xã Tìa Dình trồng 6,8ha cây bí đao tập trung chủ yếu tại 2 bản: Chua Ta A và Chua Ta B, đã tiêu thụ được gần 70 tấn bí đao, người dân có thêm nguồn thu. Ông Giàng Sính Lồng, bản Chua Ta B (xã Tìa Dình) cho biết: Trước đây, cây bí đao thường được trồng lẫn với nương lúa để phục vụ gia đình. Tuy nhiên, từ khi tham gia dự án của xã, tôi đã dành một khoảnh nương rộng 500m2 để trồng bí đao. Năm 2018, gia đình tôi thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ bán bí đao. 

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top