Các giải pháp nâng cao chỉ số PCI đã phát huy hiệu quả

09:09 - Thứ Sáu, 12/04/2019 Lượt xem: 10743 In bài viết

ĐBP - Những năm trước đây, chỉ số PCI của tỉnh ta luôn xếp hạng thấp so với các tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc; trong đó có 3 năm (2008, 2012 và 2014) đứng cuối bảng xếp hạng. Nguyên nhân chủ yếu là việc đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp ngoài quốc doanh về hầu  hết các chỉ số thành phần PCI như: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý... của tỉnh đạt điểm số rất thấp. Thực tế này là trăn trở của lãnh đạo tỉnh nhiều năm qua. Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư lần thứ nhất năm 2018 (diễn ra ngày 5/1/2018), Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn chỉ ra “rào cản” lớn nhất mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải là: Chi phí không chính thức (là chỉ số đo mức độ phiền hà mà doanh nghiệp gặp trong quá trình đầu tư) còn lớn; doanh nghiệp, nhà đầu tư còn khó khăn trong công tác tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất đai, đồng thời còn gặp không ít trở ngại trong việc tiếp cận các kế hoạch và văn bản pháp lý cần thiết liên quan đến kinh doanh, đầu tư; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đã được cải thiện song vẫn còn không ít hạn chế, bất cập.

Trước thực tế về chỉ số PCI tỉnh ta luôn xếp hạng thấp, từ năm 2015, UBND đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung thực hiện hiệu quả Ðề án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 176/QÐ-UBND ngày 9/3/2015, với mục tiêu bao trùm: xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh, đầu tư thân thiện; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ðồng thời, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 35).

Sau 4 năm triển khai Ðề án, 3 năm thực hiện Nghị quyết 35, nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI như: Ðẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC); tăng cường đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao tính năng động của lãnh đạo... được triển khai sâu rộng đã và đang góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Kết quả nổi bật trong thực hiện CCHC là các cơ quan chức năng đẩy mạnh công khai và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và người dân. UBND các cấp đã tập trung xây dựng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ” trong hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước. Năm 2018, các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp xuống còn tối đa 1,97 ngày làm việc (giảm 1.03 ngày so với trước khi có nghị quyết 35); thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn 10 ngày (giảm 5 ngày); thời  hạn giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh là 30 ngày (giảm 5 ngày); thời hạn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp còn 15 ngày (quy định là 25 ngày). 

Song song với đẩy mạnh CCHC, UBND tỉnh chú trọng công tác đối thoại với doanh nghiệp. Tại các buổi đối thoại, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn, cầu thị, UBND tỉnh cùng một số sở, ban, ngành chức năng tiếp nhận nhiều kiến nghị, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về chất lượng điều hành, tính năng động của lãnh đạo; những hạn chế trong tổ chức thực hiện cũng như kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư; xây dựng và thực hiện cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư; nhận diện các nguyên nhân dẫn đến chi phí không chính thức; chậm trễ trong tiếp cận đất đai... Từ đó, UBND tỉnh và các ngành kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải trong quá trình hoạt động trên địa bàn.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý. Ðồng thời phát huy vai trò của Hội Doanh nhân tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh là “cầu nối” giữa doanh nghiệp với chính quyền, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp; khuyến khích các hộ cá thể chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp khi có đủ điều kiện. Xây dựng website hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp xúc với Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để được vay vốn với lãi suất phù hợp.

Chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh ta đã tăng 1 bậc so với năm 2017, tuy nhiên điều đáng mừng là số điểm nhiều chỉ số thành phần quan trọng đều tăng, như: Thời gian tiếp cận đất đai tăng 0,47 điểm; tính năng động của lãnh đạo tỉnh tăng 0,05 điểm; chỉ số thành phần hỗ trợ doanh nghiệp tăng 0,01 điểm; chi phí không chính thức tăng 0,72...

Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top