Sát hạch chứng chỉ hành nghề, quản lý chất lượng xây dựng

09:06 - Thứ Ba, 16/04/2019 Lượt xem: 9821 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Thông tư số 17/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, thời gian qua, Sở Xây dựng đã triển khai công tác sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, góp phần quản lý và nâng cao chất lượng công trình xây dựng.

 

Đường vào trung tâm xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng được chủ đầu tư là Phòng Kinh tế hạ tầng huyện lựa chọn đơn vị thi công đảm bảo năng lực chuyên môn.

Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Từ năm 2016 trở về trước, việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng được áp dụng theo Thông tư 12/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 24/6/2009, việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng (hạng 2) cho các cá nhân được Hội đồng tư vấn xét dựa trên hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng, giám sát, thi công đủ điều kiện, năng lực, góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, ngày 30/6/2016, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Theo đó, các cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, ngoài phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì người đề nghị cấp chứng chỉ phải thi sát hạch (giống như thi sát hạch cấp bằng lái xe ô tô, xe máy), gồm phần thi về kiến thức chuyên môn và phần thi về kiến thức pháp luật. Ðề sát hạch được lấy ngẫu nhiên từ bộ câu hỏi trắc nghiệm do Bộ Xây dựng ban hành và được công bố công khai trên trang thông tin điện tử.

Ðối với cá nhân đề nghị cấp mới, cấp lại đối với chứng chỉ hành nghề đã hết hạn sử dụng, điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực hoặc nâng hạng chứng chỉ hành nghề thì đề sát hạch bao gồm 25 câu hỏi, trong đó 5 câu hỏi về kiến thức pháp luật và 20 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp (kiến thức chuyên môn), có liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Thời gian sát hạch tối đa là 30 phút, số điểm tối đa cho mỗi đề sát hạch là 100 điểm; trong đó điểm cho phần kinh nghiệm nghề nghiệp là 80 điểm, điểm cho phần kiến thức pháp luật là 20 điểm. Cá nhân có kết quả sát hạch phần kiến thức pháp luật tối thiểu 16 điểm và tổng điểm từ 80 điểm trở lên thì đạt yêu cầu để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề.

Trường hợp cá nhân được miễn sát hạch về kiến thức chuyên môn thì đề sát hạch bao gồm 10 câu về kiến thức pháp luật. Thời gian sát hạch tối đa là 12 phút. Số điểm tối đa cho mỗi đề sát hạch là 40 điểm. Cá nhân có kết quả sát hạch từ 32 điểm trở lên thì đạt yêu cầu để xem xét cấp chứng chỉ hành nghề. Ðặc biệt, đối với cá nhân đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề trong trường hợp chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì không yêu cầu sát hạch.

Là người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đã nhiều năm, anh Nguyễn Văn Thanh, khối 8, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng) bày tỏ: Sẽ là thiếu sót nếu việc cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho các cá nhân chỉ dựa trên xét hồ sơ năng lực; việc thi sát hạch như hiện nay sẽ đánh giá năng lực của người đề nghị cấp chứng chỉ toàn diện hơn, khách quan hơn; đồng thời người được cấp chứng chỉ cũng cảm thấy tự tin hơn với công việc của mình.

Anh Phạm Hồng Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Tiến, tại phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) cho rằng, việc thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, mỗi cá nhân ngoài thể hiện khả năng chuyên môn thì người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng còn chứng minh kiến thức pháp luật về lĩnh vực mà mình tham gia. Anh Tiến lý giải: Cũng giống như khi mình lái xe máy, có thể mình lái xe rất giỏi nhưng lại không hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, như vậy sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông.

Kể từ khi thực hiện quy định mới, đến nay Sở Xây dựng đã tổ chức sát hạch được 10 đợt, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng cho 465 cá nhân. Với hình thức thi trắc nghiệm này, không chỉ tạo điều kiện để mỗi cá nhân có nhu cầu cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng được thể hiện năng lực chuyên môn, kiến thức pháp luật về lĩnh vực mình tham gia, mà còn đảm bảo trong công tác quản lý xây dựng đối với cơ quan chuyên môn; đồng thời góp phần giúp các chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu tin cậy, đủ năng lực trong công tác đấu thầu, chọn thầu; từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng công trình.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top