Ðưa nguồn vốn đến gần hơn với khách hàng

09:20 - Thứ Tư, 17/04/2019 Lượt xem: 10493 In bài viết

ĐBP - Không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động, đa dạng các hình thức huy động vốn và cho vay, hiện đại hóa công nghệ… là những giải pháp đã và đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai nhằm đưa vốn và các dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với các đối tượng khách hàng.

 

Khách hàng thực hiện giao dịch tại Phòng Giao dịch BIDV Tuần Giáo trong ngày khai trương. Ảnh: Thu Hằng

Mở rộng mạng lưới

Cuối tháng 11/2018, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ðiện Biên (Agribank Ðiện Biên) triển khai thí điểm tại xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Mô hình điểm giao dịch lưu động có cơ cấu tổ chức như một phòng giao dịch của Agribank, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định cũng như triển khai các dịch vụ của ngân hàng như: Nhận gửi tiền, rút tiền, rút tiết kiệm, thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi vay, phát hành thẻ… Ðiểm giao dịch lưu động thực hiện 4 phiên giao dịch vào các ngày 10, 15, 20 và 25 hằng tháng. Hoạt động của mô hình giao dịch mới đã giảm quãng đường hàng chục ki lô mét cho người dân các xã: Núa Ngam, Mường Nhà, Na Tông, Hẹ Muông mỗi khi có nhu cầu vay vốn hoặc tham gia các dịch vụ khác của Agribank.

Ông Phạm Ðình Kính, Giám đốc Agribank Ðiện Biên cho biết: Sau 5 tháng triển khai, đến nay doanh số cho vay tại điểm giao dịch lưu động đạt gần 3 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 2,5 tỷ đồng, dư nợ hơn 17,5 tỷ đồng. Có thể nói việc triển khai điểm giao dịch lưu động đã tạo nên “hiệu quả kép”: Ngân hàng tiết kiệm chi phí, nguồn nhân lực, tăng cường huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân... Ðồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận với nguồn vốn và những dịch vụ ngân hàng hiện đại, đặc biệt là góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen. Từ hiệu quả của mô hình điểm, ngày 10/4 vừa qua, chi nhánh đã mở thêm điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng thứ hai tại xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên).

Nằm trong kế hoạch mở rộng mạng lưới, tháng 3/2019 Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Ðiện Biên đã khai trương Phòng giao dịch Tuần Giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo khách hàng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Tình ở thị trấn Tuần Giáo cho biết: Tôi là khách hàng quen thuộc của BIDV Ðiện Biên. Trước đây, khi cần vay vốn hay gửi tiết kiệm, tôi và người nhà phải đi hơn 80km đến trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ để giao dịch. Bây giờ, Phòng giao dịch ở trung tâm thị trấn, cách nhà tôi chỉ vài trăm mét nên rất tiện lợi. Tôi đã đến mở thẻ ATM và đăng ký sử dụng nhiều dịch vụ để thực hiện các giao dịch chuyển tiền và thanh toán tiền trong tài khoản, thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh vật liệu xây dựng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 TCTD đang hoạt động với 40 phòng giao dịch, trong đó có 9 phòng giao dịch bưu điện. Việc mở rộng mạng lưới hoạt động được coi là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm gia tăng thị phần gắn với thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Với hơn 83% dân số sống ở địa bàn nông thôn, các TCTD đang hướng việc mở rộng mạng lưới tới tận các thôn, bản vùng sâu, vùng xa - nơi người dân được tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu về vốn cho các đối tượng khách hàng.

Ưu tiên vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Tỉnh ta có trên 80% dân số làm nông nghiệp, thời gian qua việc tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hoạt động của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. Tính đến hết tháng 2/2019, cho vay khu vực sản xuất, kinh doanh của các TCTD đạt 13.261 tỷ đồng, chiếm 74,2% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn.

Theo ông Hà Văn Từ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Ðiện Biên, để đẩy mạnh dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên này, ngoài tiếp tục cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chương trình bình ổn giá, các chương trình tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ưu tiên tập trung vốn hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án trọng điểm của tỉnh. Ðồng thời tiếp tục triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP, Nghị định số 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ và các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đưa vốn và các dịch vụ ngân hàng đến gần người dân, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh thời gian qua tiếp tục tăng trưởng ổn định và đạt nhiều kết quả khả quan. Huy động vốn trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 2/2019 đạt 9.733 tỷ đồng, tăng 9,57% so với cùng kỳ năm 2018; tổng dư nợ tín dụng đạt 17.873 tỷ đồng, tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2018.


Thu Hằng
Bình luận
Back To Top