Chủ động ngăn chặn sinh vật hại cây trồng

09:27 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 11541 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến ngày 10/4, toàn tỉnh có khoảng 200ha phát hiện nhiều ổ trứng châu chấu tre lưng vàng, tập trung tại 5 huyện: Ðiện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ và Ðiện Biên Ðông. Trong đó, diện tích xuất hiện trứng châu chấu đã nở thành con non khoảng 21ha tại huyện Ðiện Biên, Nậm Pồ, Mường Chà và Mường Nhé. Mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, có nơi mật độ 50 con/m2.

 

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên kiểm tra, hướng dẫn người dân đội C9C, xã Thanh Xương cách phòng, trừ sâu hại lạ trên cây ngô.

 
Bà Triệu Thị Lê, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Châu chấu tre xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 do đàn châu chấu di thực từ các tỉnh Bắc Lào sang. Trước đây chỉ xuất hiện tại huyện Ðiện Biên, song vài năm gần đây lan sang các huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Từ cuối năm 2018, Chi cục đã chỉ đạo các trạm cơ sở chủ động tham mưu cho UBND cấp huyện kế hoạch phòng trừ châu chấu tre năm 2019. Ðồng thời phối hợp phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trạm khuyến nông và UBND các xã tiến hành điều tra, xác minh, khoanh vùng vị trí phát hiện nhiều xác châu chấu chết - là nơi châu chấu ghép đôi, đẻ trứng để chủ động phòng trừ. Ðến thời điểm cuối tháng 3 - đầu tháng 4, tiến hành điều tra lại lần 2, nếu phát hiện các ổ trứng châu chấu đã nở thì triển khai các biện pháp phun phòng, diệt trừ châu chấu từ khi còn non.

Từ ngày 29/3, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên ghi nhận những ổ trứng châu chấu đầu tiên đã nở tại khu vực các bản: Na Hôm, Na Khoang (xã Mường Nhà); Tin Tốc (xã Mường Lói); Con Cang (xã Na Ư); Cò Chạy (xã Mường Pồn) và bản Pa Thơm (xã Pa Thơm), phạm vi xuất hiện khoảng 100ha. Tại các ổ trứng đã nở, mật độ châu chấu non khoảng 20 - 50 con/m2.

Ông Quàng Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Từ ngày 1 - 4/4, tại bản Cò Chạy ghi nhận một số ổ trứng châu chấu tre đã nở thành con non. UBND xã đã chỉ đạo lực lượng chuyên môn chủ động kiểm tra, phát hiện các vị trí có ổ trứng châu chấu để tổ chức phun thuốc diệt trừ. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân về nguy cơ gây hại của châu chấu tre lưng vàng.

Tại huyện Nậm Pồ, các ổ trứng châu chấu đã bắt đầu nở. Tuy nhiên, phạm vi xuất hiện còn lẻ tẻ, nằm rải rác tại các thôn bản thuộc các xã: Si Pa Phìn, Pa Tần, Chà Nưa... Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, huyện Nậm Pồ đã chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện và nhân lực để diệt trừ châu chấu tre tại chỗ. Sau khi ghi nhận ổ trứng châu chấu tre đã nở thành con non đầu tiên, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã có châu chấu tre xác minh các vị trí xuất hiện ổ trứng châu chấu. Ðồng thời tổ chức tập huấn công tác phòng, chống châu chấu tre cho lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các xã.

Ngoài châu chấu tre, thời điểm này nhiều diện tích ngô xuân hè tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ xuất hiện loại sâu hại lạ. Sâu gây hại từ giai đoạn ngô 3 lá - xoáy nõn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và năng suất ngô. Vụ ngô xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 543ha song đến nay diện tích xuất hiện sâu lạ gần 200ha.

Cùng cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên đi kiểm tra diện tích ngô xuân nhiễm sâu của gia đình bà Lê Thị Phương, đội C9C, xã Thanh Xương, chúng tôi nhận thấy toàn bộ cây ngô trên diện tích 5.000m2 bị loài sâu lạ cắn nham nhở từ gốc đến ngọn, nhiều cây bị cắn đứt nõn. Bà Lê Thị Phương cho biết: Gần 20 năm trồng ngô, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến loại sâu có sức tàn phá nhanh khủng khiếp như vậy. Vụ ngô xuân gieo từ đầu tháng 3, khi cây ngô phát triển đến giai đoạn 3 - 4 lá thì loại sâu lạ xuất hiện. Mới đầu, con sâu chỉ cắn lá sau cắn dần vào ngọn, nõn ngô. Một cây ngô có thể có 4 - 5 con sâu. Ban đầu tôi nhầm tưởng là sâu cắn lá thông thường, mua thuốc phun trừ nhưng không hiệu quả. Ðến nay, tôi đã thay 4 loại thuốc nhưng sâu không chết hoàn toàn, chỉ tiêu diệt được khoảng 40%.

Chị Lò Thị Thúy, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Ðiện Biên cho biết: Do là giống sâu lạ, lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn nên trạm đã tiến hành theo dõi sát sao, lấy mẫu nghiên cứu, tìm loại thuốc diệt trừ. Sau nhiều lần thử nghiệm, dựa trên đặc điểm sinh hoạt của loại sâu lạ, trạm khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phun trừ, thời điểm phun hiệu quả vào buổi chiều mát. Ðồng thời, phối hợp với UBND các xã kiểm tra thường xuyên, đề phòng nguy cơ lây nhiễm cho vụ ngô hè thu chuẩn bị gieo. Vụ ngô hè thu năm nay dự kiến toàn huyện gieo trồng 3.000ha, tăng gấp 15 lần diện tích ngô vụ xuân. Do đó, nếu công tác phòng trừ không triệt để, sâu hại tiếp tục xuất hiện, phát triển ở vụ hè thu sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Sâu lạ xuất hiện đầu tiên tại huyện Tuần Giáo, sau đó lây lan nhanh sang các huyện khác. Ðặc điểm của loại sâu này là ưa cư trú trong ngọn cây ngô, ăn hết ngọn, nõn ngô và đùn phân lên trên nên nó có thể bảo vệ thân thể trước tác động của thuốc bảo vệ thực vật. Người dân nên phun các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, đối với những con sâu nằm trong ngọn cây ngô, bà con nên sử dụng thuốc bột, rắc lên ngọn cây để thuốc ngấm sâu vào trong, tiêu diệt triệt để loài sâu này.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top