Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế

09:01 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 12690 In bài viết

ĐBP - Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách riêng khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên việc hỗ trợ đã được lồng ghép thông qua chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của các chương trình: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, các mô hình khuyến nông...

 

Nông dân huyện Tuần Giáo sơ chế nông sản sau khi thu hoạch bằng máy tẽ ngô.

Giai đoạn 2016-2018, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ 5.366 máy móc, công cụ hỗ trợ sản xuất cho 2.234 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Chủ yếu là máy móc trong các khâu sản xuất: Làm đất, phun thuốc bảo vệ thực vật, cắt cỏ, máy cấy, máy tuốt lúa, máy gặt đập liên hợp và liên quan đến sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm như: máy tẽ ngô, xay xát gạo, máy sấy, máy nghiền dong riềng, làm miến…

Năm 2018, Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng mua máy làm mạ và máy cấy. Thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật đã tăng sản lượng lúa 10%, giảm 40-50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, 13/22ha sản xuất lúa chất lượng cao của HTX đã được dồn điền đổi thửa, trong quá trình sản xuất cơ giới hóa toàn bộ từ khâu làm đất, làm mạ đến gieo cấy với các giống lúa có giá trị kinh tế cao. Tuy diện tích sản xuất chưa lớn, song với việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân, HTX đã bước đầu hình thành mô hình chuỗi liên kết: Doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo, tiêu thụ sản phẩm.

Không chỉ giảm chi phí đầu tư, cơ giới hóa sản xuất còn giúp giải quyết được bài toán thiếu lao động mùa vụ. Giai đoạn 2014-2018, tỷ lệ cơ giới hóa tại cánh đồng Mường Thanh và các khu vực sản xuất lúa tập trung: Khâu làm đất đạt trên 90%; khâu thu hoạch đạt trên 50%; đối với sơ chế, chế biến chè đạt trên 90%; sơ chế, xát vỏ cà phê đạt 100%... Ðối với các diện tích sản xuất nhỏ, lẻ, đất dốc, địa hình phức tạp thì nông dân đầu tư và được hỗ trợ các công cụ, máy móc nhỏ phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất của từng khu vực. Ðiển hình như xã Thanh Xương được huyện Ðiện Biên hỗ trợ 8 máy cấy kéo tay. Phương pháp cấy này có nhiều ưu điểm như: Giảm 1/2 chi phí thuốc bảo vệ thực vật, 1/3 chi phí về phân bón, công lao động, đặc biệt là sử dụng phương pháp cấy này khử lẫn rất hiệu quả.

Cơ giới hóa sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực, nhưng thực trạng sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, ruộng đất manh mún, giao thông nội đồng hạn chế, nông dân thiếu vốn đầu tư máy móc, lao động nông nghiệp phần lớn chưa qua đào tạo… là những trở ngại làm chậm tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về tiếp nhận chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới nên việc đầu tư, áp dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất còn thiếu đồng bộ. Ðơn cử như cơ giới hóa mới được thực hiện ở các khâu làm đất, thu hoạch. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Ðiện Biên, các phòng, ban chuyên môn huyện đã triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật như: Gieo sạ hàng biên, ứng dụng dụng cụ cấy không động cơ… giúp giảm công lao động, tăng năng suất và chất lượng lúa so với phương thức sản xuất truyền thống. Song mới có số ít nông dân áp dụng, đa số vẫn chưa mặn mà bởi tâm lý an toàn, nặng về kinh nghiệm, truyền thống, còn e ngại trước cái mới.

Ðể cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được triển khai nhanh, rộng, hiệu quả thì yếu tố quan trọng là tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa; xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy hoạch tốt đồng ruộng để thuận lợi cho việc đưa máy móc, thiết bị cơ giới vào sản xuất. Cùng với đó là khuyến khích, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; mở rộng và nâng cấp các cơ sở chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Ngành Nông nghiệp và PTNT tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách phát triển ngành nghề nông thôn (bao gồm nội dung sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản); đẩy nhanh tiến độ triển khai Ðề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top