Ðổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo

09:32 - Thứ Hai, 29/04/2019 Lượt xem: 11526 In bài viết
ĐBP - Trước đây, cách thức hỗ trợ giảm nghèo thường theo hình thức cho “con cá”, mang nặng tính bao cấp: hỗ trợ gạo; trợ cấp tiền điện, tiền dầu; xây dựng đường giao thông, nhà ở... Trong khi đó việc hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ, ý chí tự lực để người dân vươn lên thoát nghèo chưa được chú trọng. Cách làm này thiếu tính bền vững, tạo cho người dân tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo “trao cần câu, không trao con cá”, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Ðồng thời, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đào tạo nghề... để người dân tự chủ trong lao động sản xuất, tạo của cải, vật chất.

 

Không trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước, anh Lò Văn Thịnh, bản Huổi Lực 2, xã Mường Báng tự đầu tư xây dựng bể nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh phục vụ gia đình. Ảnh: Nhật Phương

Năm 2018, thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, UBND xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) đã kết nối với các tổ chức xã hội trong và ngoài huyện hỗ trợ xã thực hiện chỉ tiêu về nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh. Ðoàn thanh niên Trường Cao đẳng Nghề tỉnh là một trong những đơn vị giúp đỡ xã Mường Báng về xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Thay vì hỗ trợ tiền để người dân tự xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề đã trực tiếp thực hiện 3 mô hình điểm tại 3 thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xây dựng nhà tiêu vừa đảm bảo hợp vệ sinh vừa tiết kiệm chi phí. Ðối với hộ có hoàn cảnh khó khăn, UBND xã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn để xây dựng. Ðến nay, mô hình đã nhân rộng ra hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Mường Báng.

Anh Lò Văn Thịnh, bản Huổi Lực 2, xã Mường Báng chia sẻ: Sau khi mô hình điểm kết thúc đã tiếp tục được nhân rộng khắp thôn. Tôi đã đầu tư xây dựng nhà vệ sinh theo đúng hướng dẫn và cách làm của mô hình trình diễn. Ngoài ra, tôi vay thêm tiền người thân để xây dựng bể chứa nước sinh hoạt và chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh. Ðến nay, thôn Huổi Lực 2 cơ bản đạt chỉ tiêu về vệ sinh môi trường nông thôn.

Ông Lò Văn Nắm, Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Theo cách bình xét hộ nghèo đa chiều hiện nay, không chỉ nghèo về thu nhập mà còn nghèo do thiếu hụt các dịch vụ như: Y tế, giáo dục, truyền thông... Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế, xã Mường Báng cũng chú trọng kêu gọi hỗ trợ, hướng dẫn người dân thông qua các mô hình giảm nghèo về các dịch vụ xã hội.

Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả là một chương trình có ý nghĩa thiết thực đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Chương trình chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh của người dân nông thôn nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, góp phần tăng tỷ lệ hộ gia đình làm và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện hành vi rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Năm 2018, chương trình đã hỗ trợ 713 hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách của 12 xã thuộc 7 huyện xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Chị Lò Thị Lả, bản Mới, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng) cho biết: Năm 2018, tham gia chương trình, tôi đã nhận thức được tác hại của việc không xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với môi trường và sức khỏe con người. Ðược chương trình hỗ trợ một phần kinh phí, tôi vay mượn thêm để xây dựng nhà vệ sinh tự hoại đạt tiêu chuẩn.

Năm 2018, tổng nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo và nông thôn mới trong toàn tỉnh khoảng trên 600 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn này, nhiều tuyến giao thông được mở mới, bê tông hóa; kênh mương thủy lợi được kiên cố; hàng trăm điểm trường, phòng học, trạm y tế được xây dựng... làm thay đổi diện mạo nông thôn, giải quyết vấn đề thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản tại nhiều xã, thôn, bản. Ðối với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được tổ chức, nhân rộng, hàng nghìn lao động nông thôn được đào tạo nghề... Nhờ đó năm 2018, toàn tỉnh giảm 3.852 hộ nghèo, tương đương giảm 3,93% so với năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện thụ hưởng Nghị quyết 30a giảm 4,75%.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top