Tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực

09:30 - Thứ Sáu, 03/05/2019 Lượt xem: 12757 In bài viết
ĐBP - Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Ðiện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh được chia thành 3 vùng kinh tế động lực, gồm: Vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 (TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông); vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà (TX. Mường Lay, Mường Chà, Tủa Chùa); vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé. Mục tiêu của việc xây dựng các vùng này nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, cân đối và giảm khoảng cách, sự khác biệt về trình độ phát triển giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ta được đánh giá là vùng không gian phát triển bền vững về sinh thái tự nhiên, có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch với hệ thống di tích quốc gia cùng nhiều danh lam thắng cảnh gắn với văn hóa truyền thống của các dân tộc. Bên cạnh đó, mỗi huyện, thị xã và thành phố có tiềm năng, lợi thế phát triển nhất định, như: Huyện Ðiện Biên có thế mạnh phát triển cây lúa; Mường Lay, Tủa Chùa lợi thế về du lịch sông nước; TP. Ðiện Biên Phủ gắn với hệ thống di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ; Mường Ảng gắn với cây cà phê…

 

Thị xã Mường Lay khai thác lợi thế sông nước vào phát triển du lịch địa phương và vùng kinh tế lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà.

Thời gian qua, việc tập trung khai thác lợi thế và phát triển các vùng kinh tế động lực đã và đang góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân, giảm bớt khoảng cách giữa các vùng miền. Ðối với vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279, TP. Ðiện Biên Phủ là đô thị hạt nhân đã tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ dọc tuyến quốc lộ 279; duy trì, phát triển một số cụm liên kết ngành công nghiệp, như: cụm công nghiệp Na Hai tại huyện Ðiện Biên; cụm công nghiệp hỗn hợp xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng). Ðồng thời hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; triển khai các dự án liên kết đầu tư theo chuỗi với quy mô lớn, như: chuỗi cà phê, mắc ca, cao su, cam; chăn nuôi gia súc… Ðến nay, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 279 đã thu hút được 17 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; xây dựng và xác nhận 11 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm nghiệp an toàn; phê duyệt 2 dự án cánh đồng lớn.

Vùng kinh tế động lực lâm - nông nghiệp sinh thái sông Ðà, với trung tâm vùng là TX. Mường Lay có thế mạnh trong phát triển du lịch sông nước; phát triển hệ sinh thái rừng, thủy điện, mặt hồ. Ðược đánh giá có tiềm năng lớn song do hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa được đầu tư xứng tầm nên việc khai thác thế mạnh du lịch còn hạn chế. Ðể phát huy những lợi thế sẵn có, đặc biệt là hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, thời gian qua các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện Ðề án Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào tái định cư Thủy điện Sơn La; phát triển các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, mỗi địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tương xứng với điều kiện thực tế. Ðiển hình, huyện Tủa Chùa có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái và văn hóa, với hệ thống hang động đã được công nhận cấp quốc gia, cao nguyên đá Tả Phìn, lòng hồ Thủy điện Sơn La… Ðể phát huy thế mạnh đó, Huyện ủy Tủa Chùa đã thông qua Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch Tủa Chùa, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. TX. Mường Lay đã khôi phục và tổ chức thành công Lễ hội Ðua thuyền đuôi én trong những năm qua thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.

Ðối với vùng kinh tế Nậm Pồ - Mường Nhé, với trung tâm của vùng là đô thị Mường Nhé. Theo quy hoạch khu vực này tập trung khoanh vùng bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái, văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị rừng, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Ðặc biệt, trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái và thương mại - dịch vụ qua lối mở A Pa Chải (Mường Nhé) bởi xu hướng hội nhập quốc tế và tăng cường giao lưu đối ngoại, phát triển thương mại, biên mậu... Bên cạnh đó, đây là khu vực trọng điểm thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, P đảm bảo quốc phòng - an ninh theo Ðề án 79. Ðến nay, cơ bản bố trí sắp xếp, ổn định các hộ dân diện ổn định tại chỗ; di chuyển và bố trí ổn định cho 82,24% số hộ thuộc diện di chuyển thành lập bản mới; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng di dịch cư tự do.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top