Ông Lý A Lệnh dám nghĩ dám làm

08:26 - Thứ Tư, 08/05/2019 Lượt xem: 11415 In bài viết
ĐBP - Thịt lợn rừng được nhiều người ưa chuộng, bán lại được giá, nếu ai cũng vào rừng săn bắn bán đổi lấy lợi ích trước mắt rồi cũng đến lúc cạn kiệt. Nghĩ như vậy, ông Lý A Lệnh (55 tuổi), bản Nặm Chan 2, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) đã quyết chăn nuôi lợn rừng bằng cách thuần hóa, nhân giống mở rộng đàn.

Ông Lý A Lệnh cho biết: Cách đây hơn 10 năm, ông bắt đầu chăn nuôi và nhân giống lợn rừng bằng cách khi chúng vào nương sắn của gia đình ăn, không những không săn bắn, xua đuổi mà ông tìm cách gần gũi, tiếp cận cho chúng ăn các thức ăn mà chúng yêu thích, như: bắp ngô, củ khoai hay quả bí đỏ… Dần dần chúng quen và ở hẳn lại, không còn vào rừng nữa.


Ông Lý A Lệnh chăm sóc đàn trâu.

Sau hơn một năm chăm sóc và thuần hóa, cặp lợn rừng bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên, lứa thứ hai và cứ như vậy ông Lệnh bắt đầu chăn nuôi và mở rộng đàn theo cách nuôi hoang dã, nghĩa là không nhốt mà vẫn thả rông tự nhiên. “Khi đã quen rồi thì dù có vào rừng cả tuần chúng vẫn tự khắc trở về nhà, thậm chí còn kéo theo những con khác về cùng” - ông Lệnh chia sẻ.

Do trên 200ha trang trại và đất rừng của gia đình ông quản lý cách xa khu dân cư nên có thể thoải mái chăn thả lợn rừng tự nhiên mà không sợ chúng phá hoại hoa màu của gia đình khác. Cũng theo ông Lệnh, lợi thế lớn nhất khi nuôi lợn rừng là thức ăn cho chúng không phải thái, đun nấu cầu kỳ, mà chỉ việc để tươi sống và nguyên cây, củ, quả cho chúng ăn. Lợn rừng cũng ít bị dịch, bệnh.

Không chỉ nuôi lợn rừng, ông Lệnh còn nuôi cả lợn đen, đến nay trang trại của ông có trên 100 con lợn gồm cả lợn rừng lẫn lợn nhà. Nhờ được chăn nuôi theo tự nhiên nên đàn lợn phát triển tốt, chất lượng đảm bảo. Mặc dù trang trại gia đình ông Lệnh cách xa trung tâm xã, huyện, nhưng vẫn được nhiều người biết đến và đặt mua lợn thịt. Khách hàng của ông chủ yếu là ngoài thị trấn huyện hoặc trên thành phố, thậm chí các tỉnh, thành phố khác như: Sơn La, Hà Nội, Hải Phòng…

Ông Lệnh cho biết thêm: Do lợn rừng chủ yếu sống trong rừng, chỉ khi đói chúng mới về trang trại hoặc ông phải lên rừng gọi về, vì thế nếu khách có muốn mua thì phải gọi điện đặt trước vài ngày. Giá bán lợn đen và lợn rừng đều như nhau (150 - 200 nghìn đồng/kg lợn hơi).

Lý giải về giá cả, ông Lệnh bảo: Tùy theo trọng lượng của từng con mà giá bán cũng khác nhau. Với con có trọng lượng từ 10 - 20kg thì giá bán tại nhà là 200 nghìn đồng/kg, còn đối với con có trọng lượng lớn hơn thì giá chỉ 150 nghìn đồng/kg.

Ðể đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, ông dành gần 4.000m2 đất để trồng các loại rau màu và cây ăn quả phục vụ gia đình và vật nuôi. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích đất rộng, gia đình ông Lệnh còn nuôi trên 100 con trâu, bò; 50 con dê và trên 100 con gà ri. Tổng các nguồn thu của gia đình ông đạt trên 200 trăm triệu đồng/năm.

Ðến nay, sau hơn 10 năm mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng trang trại, gia đình ông Lệnh đã có một cơ ngơi khang trang, con cái được ăn học đầy đủ và ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Lý A Lệnh còn giúp đỡ nhiều gia đình khác bằng cách hỗ trợ giống, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc và cho vay vốn không lấy lãi, như: gia đình anh Lý A Tú, Lý A Tùng, Lý A Dình…

Ông Quàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng cho biết: Ông Lý A Lệnh là một gương chăn nuôi, sản xuất điển hình của xã; dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư để có cuộc sống tốt hơn. Ðó là một mô hình hay mà xã lấy làm gương để khuyến khích nhân dân trong xã học tập, làm theo.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top