Thay đổi tư duy để xóa đói giảm nghèo

08:54 - Thứ Sáu, 10/05/2019 Lượt xem: 12483 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn huyện Tuần Giáo được triển khai, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng đề ra, như: Ðào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, nhà ở cho hộ nghèo... tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững. Cùng với những chương trình, chính sách hỗ trợ trên, đã có một bộ phận người dân mạnh dạn thay đổi tư duy, nhận thức để tự vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

 

Người dân bản Ten Hon, xã Tênh Phông chăm sóc cây thảo quả.

Ðể phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, huyện Tuần Giáo tập trung áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - thủy sản, đẩy mạnh đưa giống mới, cây trồng mới vào sản xuât, xây dựng, chuyển giao các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp. Có thể kể đến các mô hình phát triển sản xuất như mô hình quy hoạch cây cao su (Nà Sáy, Mường Thín, Mường Mùn, Mùn Chung); cây cà phê (Quài Cang, Quài Nưa, Tỏa Tình); cây mắc ca (Quài Nưa, Quài Cang, Quài Tở, Nà Sáy, Chiềng Sinh); vùng ngô, đậu tương (Pú Nhung, Ta Ma, Phình Sáng); sơn tra, sa nhân (Tỏa Tình, Tênh Phông)… đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Có được bước đổi thay đó, ngoài sự hỗ trợ của các cấp, ngành còn phải nhắc đến sự đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm của chính những người được hưởng lợi. Cùng với cây sơn tra, nhiều năm trở lại đây, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo còn nổi tiếng với các loại cây dược liệu, đặc biệt là thảo quả. Loại cây xứ lạnh này đã góp phần không nhỏ giúp nâng cao thu nhập cho người dân xã Tênh Phông. Ông Vàng A Mua, Chủ tịch UBND xã Tênh Phông cho biết: “Cây thảo quả bén duyên đất Tênh Phông từ những năm 90 của thế kỷ trước. Xã Tênh Phông có đặc điểm diện tích rừng khá lớn, chủ yếu là rừng già tự nhiên, nhiều khe suối, độ ẩm cao phù hợp cho giống cây này phát triển dưới tán rừng. Nhận thấy cây trồng mới hợp thổ nhưỡng, khí hậu, tốn ít công chăm sóc lại mang về thu nhập cao hơn so với trồng ngô, lúa nên người dân Tênh Phông mạnh dạn đưa vào trồng đại trà. Chính quyền xã cũng coi đây là cây trồng chủ lực và khuyến khích người dân tăng diện tích cây thảo quả, cùng một số cây dược liệu khác, như: Sa nhân, hoa hồi… vừa tăng thu nhập vừa gắn với việc quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó mà từ diện tích nhỏ ban đầu, cây thảo quả lan ra toàn xã, hầu hết các khe suối trên địa bàn đều được phủ xanh bởi tán cây này. Thu nhập của người dân cũng vì thế mà tăng lên. Nếu được mùa, 1ha thảo quả có thể cho từ 4 - 5 tạ quả khô, giá bán trung bình từ 120 - 150 nghìn đồng/kg sẽ mang về 10 - 12 triệu đồng cho những hộ có diện tích nhỏ và 50 - 60 triệu đồng với những hộ có diện tích lớn hơn”. Có thể nói rằng, cùng với các chương trình, dự án giảm nghèo của các cấp, ngành hỗ trợ, người dân Tênh Phông đã thay đổi được tư duy trong phát triển kinh tế, đưa những cây trồng hợp thổ nhưỡng, khí hậu thành cây chủ lực của địa phương. Câu chuyện về cây thảo quả Tênh Phông cũng là câu chuyện của cây sơn tra của xã Tỏa Tình, cây mía xương gà xã Pú Nhung… đang từng ngày mang lại ấm no cho người dân.

Nhắc lại một chút câu chuyện của anh Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mường Mùn, xã Mường Mùn về khát khao đưa sản phẩm chăn nuôi của mình vào chuỗi giá trị liên kết. Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, anh lựa chọn chăn nuôi gà là hướng phát triển cho mình. Vượt qua nhiều khó khăn với sự giúp đỡ của các nguồn vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật… gia đình anh có được mô hình kinh tế tương đối ổn định. Khi đã thoát nghèo, anh lại muốn nâng cao giá trị sản phẩm cho mình, cho những người dân ở địa phương. Anh Chuyên cho biết: HTX Mường Mùn được thành lập để những người chung chí hướng giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay sản phẩm của HTX gồm nhiều sản phẩm khác nhau và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Nhưng anh còn mong muốn xây dựng được thương hiệu thịt gà Mường Mùn theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Khi đã có thương hiệu, sản phẩm tiêu thụ được nhiều hơn, giá cao hơn, giúp cho các thành viên HTX có thể phát triển theo hướng chăn nuôi. Hơn nữa, nếu làm được như vậy, không chỉ HTX Mường Mùn phát triển mà người dân xã Mường Mùn cũng sẽ có điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Họ có thể tham gia trở thành thành viên của HTX hoặc được tạo việc làm từ các hộ có mô hình chăn nuôi lớn… Ðể hiện thực hóa ước mơ của mình, anh mời cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản tỉnh về kiểm tra chất lượng sản phẩm và được đánh giá khá cao. Ngoài ra, anh cũng đang tranh thủ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo để sớm đưa thương hiệu thịt gà Mường Mùn tới người tiêu dùng.

Không thể phủ nhận trong thực tế vẫn còn nhiều hộ dân “ngại” thoát nghèo để trông chờ, ỷ lại vào những chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của các cấp, ngành. Nhưng cũng có không ít những hộ khác mạnh dạn thay đổi tư duy, dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Mong rằng, với những tín hiệu vui đó, bài toán xóa đói giảm nghèo tại huyện Tuần Giáo nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung sẽ sớm có lời giải.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top