Xóa nghèo từ nhận thức

08:41 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 10638 In bài viết
ĐBP - Xóa đói giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía nhưng mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “thích” nghèo để được hưởng chế độ chính sách... Những năm qua, ngoài thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé còn khơi nguồn giảm nghèo từ chính nhận thức người dân, đặc biệt người dân ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới…

 

Cán bộ xã Quảng Lâm vận động, tuyên truyền người dân thay đổi cơ cấu vật nuôi xóa đói giảm nghèo.

Là huyện vùng cao, biên giới, Mường Nhé có tỷ lệ hộ nghèo cao, đứng “top” đầu trong tỉnh (64,16% theo chuẩn nghèo đa chiều). Ðể giúp người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, trên cơ sở các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước; huyện Mường Nhé đã ban hành nhóm chính sách về việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất... Tuy nhiên, việc có quá nhiều chính sách hỗ trợ có tính chất “cho không” như: Hỗ trợ về gạo, dầu hỏa thắp sáng, con giống, vật nuôi... đã vô tình làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người nghèo; sự chông chênh trong tư tưởng này tác động đến nỗ lực thay đổi nhận thức về giảm nghèo và là một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo gặp khó khăn. Ðặc biệt, trong thực tế, không ít xã ở Mường Nhé vẫn xảy ra tình trạng bình xét “luân phiên” hộ nghèo, muốn lọt vào danh sách hộ nghèo phải được sự “ưu ái” của cán bộ xã; sự chênh lệch trong mức hỗ trợ giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo đã tạo ra tâm lý trông chờ của người nghèo và không bảo đảm sự nghiêm túc, công bằng. Ông Giàng A Chống, Phó Chủ tịch UBND xã Pá Mỳ chia sẻ: Thực tế cho thấy ý thức thoát nghèo của một bộ phận người dân cũng như việc bình xét hộ nghèo trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vẫn biết là có những tiêu chí đánh giá cụ thể, quy định chi tiết nhưng đây cũng là vấn đề “nhạy cảm” động chạm đến quyền lợi; suy nghĩ của nhiều người dân kiểu như “nhà họ được, sao nhà tôi không được” không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều.

Là một trong 64 huyện nghèo nhất cả nước, dù rất khó khăn về nguồn lực nhưng xóa đói giảm nghèo luôn là nhiệm vụ tiên quyết được cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đặc biệt quan tâm và triển khai có hiệu quả. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2018, toàn huyện đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Trong đó, Chương trình 30a thực hiện 13 dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản; 59 máy R170; 2 dự án hỗ trợ cây sa nhân; Chương trình 135 hỗ trợ 7 dự án trâu, bò sinh sản; 1 mô hình trồng ngô lai… Huyện đã hoàn thành thanh, quyết toán hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, với tổng số 5.847 hộ thuộc 118 bản và điểm bản của 11/11 xã. Ðặc biệt, đối với một số xã biên giới (Sín Thầu, Sen Thượng, Leng Su Sìn…) huyện đã triển khai xây dựng Dự án trồng cây mắc ca với diện tích dự kiến 10.000ha.

Tuy nhiên, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho rằng: Cái khó nhất trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở Mường Nhé hiện nay chính là việc thay đổi nhận thức, tư duy của người dân đã ăn sâu bao đời nay. Việc này là cả một quá trình lâu dài và vô cùng khó khăn. Ðể từng bước tháo gỡ và thay đổi nhận thức giảm nghèo của người dân, huyện đã xây dựng các nghị quyết, kế hoạch tổ chức thực hiện. Ðặc biệt, để tạo dựng lòng tin trong nhân dân, trước hết cần khắc phục tư tưởng “trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại” trong chính cán bộ đảng viên - đây được xem là bước ngoặt, tạo đột phá trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cán bộ đảng viên phải là người gương mẫu xin ra khỏi danh sách hộ nghèo; tích cực vận động, giúp nhân dân cùng thoát nghèo; đưa tiêu chí xóa nghèo vào công tác thi đua, nhiệm vụ thường xuyên của 11/11 xã và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.

Ðặc biệt, huyện đẩy mạnh việc ngăn chặn triệt để những vấn đề tồn tại, phát sinh ngay từ nhận thức, hành động của những người triển khai thực hiện chính sách, như: “đội” giá cây, con giống hỗ trợ; không khảo sát thực tế dẫn đến hỗ trợ không phù hợp, gây bức xúc trong dư luận... Ðiển hình như bất cập trong chương trình hỗ trợ cấp trâu giống cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã Quảng Lâm mà truyền thông, báo chí đã phản ánh trong thời gian qua. Ðây là những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả, chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, huyện cũng thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là những nội dung có liên quan đến chính sách dân tộc, từ đó tạo hiệu ứng thiết thực, thúc đẩy ý chí cũng như khát vọng vươn lên của người nghèo; đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Ðồng thời, triển khai thí điểm các chương trình thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế, hướng dẫn người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững gắn với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động... Mặt khác, huyện đã kịp thời động viên khích lệ cũng như tạo điều kiện cho những hộ “tự nguyện” thoát nghèo vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, tạo sự lan tỏa sâu rộng và trở thành phong trào tự nguyện thoát nghèo.

Làm sao thoát nghèo bền vững? Ðây là “bài toán” đòi hỏi không riêng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Mường Nhé mà người dân, nhất là các hộ nghèo cũng phải tự thân vận động, xây dựng ý thức thoát nghèo cho chính bản thân mình và cho gia đình, cộng đồng.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top