Từng bước tạo uy tín, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương

08:51 - Thứ Tư, 29/05/2019 Lượt xem: 11107 In bài viết

ĐBP - Ðể nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thế mạnh của địa phương, thời gian qua, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã từng bước đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi.

 

Các sản phẩm khẩu xén Mường Lay, chè Tủa Chùa được trưng bày, giới thiệu tại Cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Safe Green (TP. Ðiện Biên Phủ).

Bà Hà Thị Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) để nâng cao nhận thức của người sản xuất kinh doanh (SXKD) trong việc đảm bảo chất lượng, ATTP thì Chi cục cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn tình trạng SXKD tùy tiện, vi phạm các quy định của pháp luật. Thời gian qua, chi cục đã thành lập, duy trì điểm kiểm tra nhanh ATTP tại chợ Mường Thanh góp phần kiểm soát nông sản, thực phẩm kinh doanh tại chợ, giảm nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng các sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Ðể bảo vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người SXKD xây dựng mã truy xuất nguồn gốc (mã QR) cho các sản phẩm: Gạo bắc thơm số 7 (Hợp tác xã Thanh Yên); gạo bắc thơm số 7, khẩu xén (Công ty TNHH thực phẩm Safe Green); cà phê (Công ty TNHH Ðại Bách); chè Shan tuyết (Công ty TNHH Trà Phan Nhất); cá tầm, cá hồi (Công ty TNHH Sơn Hạnh); thịt khô (Cơ sở chế biến thịt khô Phạm Thị Duyên); tảo xoắn (Cơ sở nuôi trồng tảo xoắn Spirulina Nguyễn Ðức Lợi)… Ðồng thời kết nối, hỗ trợ các cơ sở SXKD tham gia các Hội chợ triển lãm, quảng bá và bán sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại các tỉnh, thành trong nước.

Một trong những giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị, chất lượng của các sản phẩm địa phương là sản xuất theo chuỗi. Ðây cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ta bởi sản xuất theo chuỗi tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm; hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực; phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân... Hiện nay toàn tỉnh có 11 cơ sở tham gia xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 15 chuỗi sản phẩm. Ðiển hình như: 2 chuỗi sản xuất chè Shan tuyết Tủa Chùa của Công ty TNHH Trà Phan Nhất và Công ty TNHH một thành viên Hương Linh; 1 chuỗi sản xuất cà phê của Công ty TNHH Ðại Bách; 3 chuỗi sản xuất tiêu thụ rau, củ, quả của Công ty TNHH thực phẩm Safe Green, Công ty CP Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên và Công ty TNHH Hoa Ba; 3 chuỗi sản xuất gạo của Công ty TNHH thực phẩm Safe Green và HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; 1 chuỗi bí xanh Tìa Dình; 1 chuỗi khoai sọ Phì Nhừ; 1 chuỗi dứa... Sản xuất mô hình theo chuỗi giúp công tác quản lý chất lượng, ATTP thuận lợi trong việc kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng chưa thực sự phù hợp với điều kiện tại địa phương; cơ sở SXKD nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu tập trung… Cùng với đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội tỉnh, chưa có tính hàng hóa xuất khẩu; đặc biệt là chi phí cho bao bì, tem nhãn cao trong khi giá bán chưa như mong đợi; người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mới chỉ quan tâm đến giá cả chứ chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong hợp tác với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Hiện nay, Safe Green có 1 cửa hàng chính và 7 đại lý tại 7 tỉnh, thành phía Bắc như: Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Sơn La, Quảng Ninh… Các sản phẩm đều được sản xuất theo chuỗi liên kết, đảm bảo ATTP.  Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Ðối với sản phẩm gạo được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuyển từ gieo sạ sang cấy bằng máy cấy nên không bị lẫn lúa tạp, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật và công. Hiện nay sản phẩm gạo bắc thơm số 7 của Công ty mang chỉ dẫn địa lý “gạo Ðiện Biên” đã được nhiều người tiêu dùng trong nước quan tâm, sử dụng. Công ty cũng đang tham gia dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị nông Nghiệp” nhằm xây dựng, củng cố thương hiệu các sản phẩm địa phương.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top