Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam

Ðẩy mạnh “kết nối” để hàng Việt lan tỏa

08:55 - Thứ Tư, 29/05/2019 Lượt xem: 12595 In bài viết

Lò Văn Mừng

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh

ĐBP - Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (gọi tắt là CVÐ) sau 10 năm thực hiện một lần nữa khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, với chuyển biến trong nhận thức và hành động ưu tiên dùng hàng Việt, dần xóa bỏ tâm lý sính ngoại trong một bộ phận nhân dân. Ðây cũng là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng sản xuất hàng hóa chất lượng, sức cạnh tranh cao; nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Ðồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo năm 2019. Ảnh: Minh Thùy

Nâng cao nhận thức người tiêu dùng về hàng Việt

Ngay từ khi Bộ Chính trị phát động CVÐ, Ban Chỉ đạo CVÐ tỉnh Ðiện Biên đã ban hành kế hoạch thực hiện theo từng năm làm cơ sở cho các thành viên Ban vận động triển khai thực hiện các nội dung của cuộc vận động gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chủ động triển khai đến MTTQ các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện các nội dung CVÐ. Hình thức tuyên truyền đa dạng, như: tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các buổi họp khu dân cư, sinh hoạt các hội, nhóm, câu lạc bộ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của tỉnh, của các sở, ban, ngành; gắn tuyên truyền nội dung CVÐ với thực hiện Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… hướng tới nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Vận động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thay đổi nhận thức, hành vi trong tiêu dùng theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trên địa bàn tích cực hưởng ứng CVÐ, sản xuất các loại hàng hóa chất lượng, phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp để người tiêu dùng biết, lựa chọn, mua sắm thông qua việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, quảng bá giới thiệu sản phẩm địa phương...

Trong 10 năm qua, hơn 6.000 cán bộ MTTQ các cấp, đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư và các tầng lớp nhân dân tại 30 cụm, điểm, khu dân cư đã được tuyên truyền, vận động hưởng ứng lựa chọn, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt. Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hội đã tổ chức hơn 1.000 buổi tuyên truyền với trên 60.000 lượt hội viên tham gia; mở hàng trăm lớp tập huấn hướng dẫn phát triển kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cho nông dân… Thông qua công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen quan tâm lựa chọn, mua sắm hàng Việt; đồng thời tạo động lực cho nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong nước nâng cao chất lượng, mẫu mã, đảm bảo sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Mở cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất hàng Việt

Thực hiện CVÐ thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, như: Hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng các dự án xúc tiến thương mại, tập huấn thương mại điện tử cho cán bộ quản lý doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xây dựng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”... Hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại theo hướng tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bước đầu được hình thành, ứng dụng vào sản xuất. Trong 10 năm qua hơn 9,3 tỷ đồng được hỗ trợ trực tiếp các mô hình trình diễn kỹ thuật sản phẩm mới, xây dựng 2 điểm bán hàng Việt; 15 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh phí để xây dựng website ứng dụng và phát triển thương mại điện tử. Tổ chức và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia 96 hội chợ thương mại trong và ngoài nước; 40 cuộc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa.... tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh mở rộng giao thương, trao đổi mua bán hàng hóa.

Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển ổn định, hệ thống phân phối hàng hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi lưu thông hàng hóa và mua sắm của người dân. Thị trường được kiểm soát ổn định, hệ thống hạ tầng thương mại từng bước phát triển, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó góp phần tích cực giúp doanh nghiệp, nhà sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức tăng cường cải tiến kỹ thuật, đổi mới cách thức sản xuất, phân phối, nâng cao sức cạnh tranh, ổn định giá bán sản phẩm. Nhiều sản phẩm, hàng hóa được chú trọng cải thiện về mẫu mã, chất lượng trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường, như các sản phẩm của Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên, Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Hoa Ba, Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên... Song song với đó các doanh nghiệp tích cực đổi mới cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại, đưa hàng Việt về các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn để kích thích sức mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng; kiểm tra quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, vệ sinh an toàn thực phẩm…, quyền lợi người tiêu dùng được đảm bảo, người tiêu dùng được tiếp cận với hàng Việt có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Cũng nhờ đó tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị tăng mạnh so với trước đây; khẳng định được sức cạnh tranh ngày càng cao và khả năng chiếm lĩnh thị trường ngày càng lớn của hàng Việt. Với sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm, vai trò của mình trong thực hiện CVÐ, tích cực tham gia các chương trình mua sắm hàng Việt chất lượng cao, góp phần xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản phẩm Việt Nam ngày càng uy tín.

Ðưa cuộc vận động lên tầm cao mới

Dù đã đạt được nhiều kết quả, tạo dấu ấn quan trọng sau chặng đường 10 năm thực hiện CVÐ, song thực tế cho thấy, tình trạng hàng kém chất lượng, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn xuất hiện trên thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, làm giảm uy tín, chất lượng của hàng Việt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, trình độ công nghệ sản xuất còn nhiều yếu kém, sức cạnh tranh thấp... Chính vì vậy, để CVÐ thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của CVÐ, giúp người tiêu dùng nhận thức đúng về khả năng sản xuất, chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Mỗi cấp uỷ Ðảng cần xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện CVÐ - coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đồng thời gắn nội dung CVÐ với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở ngành, địa phương. Khuyến khích huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị theo hướng văn minh hiện đại, phát triển thị trường nông thôn; bảo đảm cân đối cung - cầu và bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; của tỉnh về việc thực hiện CVÐ.

Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả về công tác dự báo tình hình cung - cầu hàng hóa trên thị trường. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất kinh doanh; tăng cường xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của tỉnh. Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, thông tin quảng bá sản phẩm; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập các kênh phân phối hàng hoá, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi tập trung đông dân cư. Ðẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hàng hoá sản xuất trong nước. Nhất là đối với các đơn vị doanh nghiệp cần đi đầu trong thực hiện CVÐ để không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hoá, dịch vụ tới người tiêu dùng và thực hiện các cam kết của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng; đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hoá tạo lòng tin để người tiêu dùng quan tâm lựa chọn hàng Việt.

Bình luận
Back To Top