Còn nhiều khó khăn trong sản xuất thực phẩm an toàn

09:06 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 11214 In bài viết
Sau một năm triển khai, Chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020 đã đem lại hiệu ứng rất lớn, với gần 1,3 triệu hộ hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn do người tiêu dùng chưa phân biệt được nông sản an toàn và không an toàn, giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều. Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại của người dân…

 

Một trong những khó khăn trong sản xuất nông sản an toàn đó là chi phí sản xuất cao nhưng giá bán chưa cao..

Đó là những vướng mắc được đại biểu nêu ra tại Hội nghị Sơ kết một năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chiều 29-5 tại Hà Nội.

Lan tỏa mô hình sản xuất an toàn

Ngày 3-11-2017, Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là Chương trình 526).

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, sau một năm triển khai Chương trình 526, Hội Nông dân Việt Nam đã vận động hội viên, nông dân ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó, tập trung thực hiện cuộc vận động ba không “không sản xuất rau không an toàn, không giết mổ gia súc gia cầm không an toàn, không kinh doanh phụ gia thực phẩm không có trong danh mục”, và “nói không với thực phẩm bẩn”.

Năm 2018, đã có gần 1,3 triệu hộ hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, có một số hội nông dân ở các tỉnh đã rất tích cực triển khai thực hiện cuộc vận động như: Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa; Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Hà Nội. Các cấp Hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã vận động hơn hai triệu gia đình hội viên ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN-PTNT), nhận định: Chương trình đã vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp, dần loại bỏ tư tưởng hình thức sản xuất “rau hai luống, ruộng hai chuồng”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Mặc dù mới là năm đầu tiên triển khai Chương trình nhưng các nội dung triển khai trong thời gian qua đã được tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa đến các địa phương trên cả nước và người sản xuất kinh doanh thực phẩm. Qua đó, tác động mạnh đến nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm, đồng hành chung tay sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, lên án các hành vi vi phạm. Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất sạch, góp phần ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

 

Hội nghị sơ kết một năm triển khai Chương trình tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020.

Tồn tại nhiều vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Xuân Định, Chương trình 526 vẫn còn những tồn tại, vướng mắc. Theo đó, nhận thức của nông dân về an toàn thực phẩm còn hạn chế, quen cách thức sản xuất cũ. Nông dân mong muốn sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, nhưng gặp khó khăn do người tiêu dùng chưa phân biệt được nông sản an toàn và không an toàn, giá bán nông sản an toàn không cao hơn nhiều. Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề lo ngại của người dân….

Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho năm thứ hai thực hiện Chương trình 526 đó là: 100% tỉnh, thành Hội và 90% huyện, thị và cơ sở Hội phát động phong trào nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn; 100% các dự án, mô hình, tổ nhóm do các cấp Hội xây dựng, tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và duy trì phát triển bền vững; tổ chức, vận động 80% hội viên nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; dần xóa bỏ hiện tượng “rau hai luống, lợn hai chuồng”.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương phối hợp Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức nhiều các lớp tập huấn, tọa đàm…, vận động hội viên sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh việc ký cam kết sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản tiêu thụ nông sản an toàn. Nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, xây dựng hệ thống cửa hàng nông sản sạch mang thương hiệu Hội…

Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, thực tế, câu chuyện từ trang trại đến bàn ăn là hết sức phức tạp, nhất là các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ sau một năm triển khai Chương trình đã đem lại hiệu ứng rất lớn, với gần 1,3 triệu hộ hội viên, nông dân ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Điều này cho thấy, từ nhận thức đi vào hành động đã có sự chuyển biến rõ nét. Đây là một trong những mũi nhọn đóng góp vào hợp phần chuyển biến trong nhận thức xã hội về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, Chương trình 526 cần tiến xa hơn nữa.“Năm 2018, ngành nông nghiệp không chỉ bảo đảm nhu cầu lương trong nước mà còn xuất khẩu đạt hơn 40 tỷ USD, nếu chỉ dừng lại các mục tiêu mà đưa ra nêu trên thì chưa đủ”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lực lượng phụ nữ, hội nông dân là rường cột trong việc thực hiện Chương trình này. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh truyền thông trên phương diện từng đối tượng, từ đó sẽ góp phần tuyên truyền về an toàn thực phẩm tốt hơn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top