Thêm vụ lúa đông xuân thắng lợi

08:32 - Thứ Hai, 03/06/2019 Lượt xem: 11695 In bài viết
ĐBP - Vụ lúa đông xuân năm 2018 - 2019 chịu ảnh hưởng của thời tiết phức tạp, nhất là đợt nắng nóng kéo dài từ giữa đến cuối vụ làm một số diện tích bị khô hạn; cùng với đó là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp và ngành chuyên môn; sự chủ động, nỗ lực của bà con nông dân, sản xuất vụ đông xuân đã thắng lợi.

 

Người dân xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) thu hoạch lúa đông xuân.

Vụ đông xuân năm 2018 - 2019, toàn tỉnh gieo cấy 9.674ha lúa; trong đó trà sớm 3.669,5ha; trà chính vụ 4.535,2ha; trà muộn 1.469,2ha. Cơ cấu giống gồm: Lúa thuần chất lượng cao 7.450,8ha; lúa thuần địa phương 1.937,8ha và lúa lai 285,3ha. Về cơ bản, các địa phương đã tiến hành gieo cấy theo lịch thời vụ; cơ cấu giống theo định hướng của ngành Nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, vẫn có trà lúa gieo cực sớm (trước ngày 25/12/2018); gieo cấy giống lúa không có trong cơ cấu, chịu thâm canh kém và mẫn cảm với sâu bệnh (điển hình là giống lúa Séng Cù, huyện Ðiện Biên gieo cấy 16,7% diện tích; TP. Ðiện Biên Phủ gieo cấy 23,6% diện tích). Giai đoạn cây lúa đẻ nhánh rộ, chuyển sang đứng cái làm đòng gặp thời tiết bất lợi như: Nhiều sương mù, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm lớn, sau đó là nắng hạn kéo dài. Ðây là điều kiện thuận lợi để các loại bệnh và sinh vật gây hại phát triển, trong đó chủ yếu là bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đỉnh điểm toàn tỉnh có gần 5.000ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá. Trong đó có 1.011ha lúa bị nhiễm từ 5% lá trở lên, tăng 959ha so với cùng kỳ năm trước; diện tích bị nhiễm nặng gần 166ha; nhiễm trung bình 519ha.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Vụ đông xuân năm nay là một trong những vụ có diện tích lúa bị nhiễm đạo ôn lá lớn nhất trong nhiều năm qua. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc sở tham mưu các kế hoạch, giải pháp theo dõi, phát hiện và hướng dẫn người dân phòng trừ ngay khi bệnh chớm xuất hiện. Nhờ đó, bệnh đạo ôn lá được khoanh vùng, khống chế và tiêu diệt triệt để trước khi cây lúa vào giai đoạn đứng cái làm đòng. Từ đó, giảm tối đa nguy cơ lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông khi trỗ bông. Ðối với bệnh đạo ôn cổ bông, do cơ cấu giống không đảm bảo nên cây lúa bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhờ sự chuẩn bị kỹ từ đầu vụ nên không có diện tích bị ảnh hưởng năng suất bởi bệnh đạo ôn cổ bông.

Ông Lò Văn Tuấn, đội 5, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) cho biết: Vụ này, gia đình tôi gieo cấy 5.000m2 lúa. Năm 2018, do chủ quan nên 1/2 diện tích bị mất trắng vì bệnh đạo ôn cổ bông. Rút kinh nghiệm, năm nay tôi thường xuyên thăm đồng, điều tiết nước và tăng cường chất dinh dưỡng; chủ động phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông theo nguyên tắc “4 đúng” vào 2 thời điểm chính: Lúa thập thò trỗ bông và khi lúa đã trỗ đều (cách nhau 5 - 7 ngày). Do đó, lúa năm nay không bị bệnh, bông to, hạt chắc.

Từ giữa tháng 3 đến cuối vụ, thời tiết nắng nóng kéo dài gây hạn hán cục bộ nhiều nơi, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây lúa. Toàn tỉnh có gần 200ha lúa bị khô hạn. Chính quyền những xã có diện tích lúa bị hạn đã chỉ đạo đội thủy nông xã, thôn bản luân phiên trực, chia nước đến đồng ruộng, đảm bảo duy trì sự sinh trưởng của cây lúa. Nhờ đó, cuối vụ chỉ có khoảng hơn 40ha/200ha khô hạn bị ảnh hưởng đến năng suất. Ðến nay, các huyện có điều kiện canh tác thuận lợi như: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ đã cơ bản thu hoạch xong lúa đông xuân. Tại một số địa bàn vùng cao, thuộc tiểu vùng khí hậu, các trà lúa đang giai đoạn chín sữa, chuẩn bị cho thu hoạch.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ đông xuân 2018 - 2019 được mùa với diện tích gieo cấy đạt 102% kế hoạch; sản lượng ước đạt 57.032,5 tấn (đạt 101,7% kế hoạch, tăng 1.825,4 tấn so với năm 2018). Trong đó có 2 dự án “Cánh đồng lớn” được triển khai thực hiện với tổng diện tích 92ha. Ðó là 70ha cấy giống Bắc thơm số 7 và IR64 của HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên; 22ha giống Bắc thơm số 7 của HTX công nghệ cao Bản Mé, xã Thanh Hưng.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top