Sớm thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip

09:48 - Thứ Hai, 03/06/2019 Lượt xem: 10676 In bài viết

Ngay từ đầu năm, tại các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ đều nêu bật vai trò quan trọng của việc thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Cơ hội càng mở ra cho thị trường này khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ trong năm 2019 phải chuyển đổi 30% số lượng thẻ từ sang thẻ chip, nhất là với thẻ chip không tiếp xúc.

 

Sử dụng thẻ chip sẽ giúp khắc phục được tình trạng tội phạm đánh cắp dữ liệu thẻ.

Sẵn sàng chuyển đổi

Cuối năm 2018, NHNN ban hành Thông tư số 41/2018/TT-NHNN, bổ sung quy định tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, là Bộ tiêu chuẩn cơ sở của NHNN về các yêu cầu kỹ thuật thẻ thanh toán nội địa công nghệ chip tiếp xúc và chip không tiếp xúc tại Việt Nam; yêu cầu lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip. Cụ thể, đến cuối năm 2019, ít nhất 30% số thẻ có BIN (mã tổ chức phát hành thẻ) do NHNN cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đến cuối năm 2021, tỷ lệ này đạt 100%. Chia sẻ về lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Minh cho biết, đến thời điểm này, quá trình chuẩn bị về quy trình, hạ tầng, nguồn lực, kỹ thuật,... gần như đã hoàn tất để sẵn sàng hỗ trợ tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp, theo yêu cầu của NHNN ban hành tại Thông tư số 41. Bộ tiêu chuẩn thẻ chip Việt Nam VCCS cũng đã được NAPAS xây dựng theo chuẩn riêng cho thị trường Việt Nam, tương thích chuẩn quốc tế EMW.

Theo đại diện một số NHTM, từ ngày 28-5, một số ngân hàng bắt đầu phát hành ra thị trường những chiếc thẻ ATM làm bằng công nghệ chip có tính bảo mật cao để thay cho thẻ từ đang sử dụng hiện nay. Trước mắt trong năm nay, sẽ chuyển đổi 21 triệu thẻ ATM sang thẻ chip, chiếm khoảng 30%, đến hết năm 2021 toàn bộ thẻ trên thị trường sẽ sử dụng công nghệ thẻ chip mới. Thông tin từ NAPAS cũng cho thấy, đến nay, đã có bảy ngân hàng tham gia chuyển đổi gồm: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, TPBank, Sacombank và ABBank. Đây là các ngân hàng có số lượng thẻ lớn, ước tính số lượng thẻ chiếm khoảng 70% tổng số thẻ trên thị trường. Cũng theo ông Nguyễn Quang Minh, việc áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip là cần thiết bởi nó giúp hạn chế tình trạng skimming (đánh cắp thông tin làm thẻ giả mạo), hay các giao dịch gian lận của các cá nhân, tổ chức nước ngoài với tài khoản, thẻ ngân hàng. Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chuẩn thẻ chip giữa các tổ chức tín dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán sẽ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng từ tốc độ thanh toán cho tới bảo mật thông tin. “Ưu điểm vượt trội của thẻ chip không tiếp xúc là giao dịch rất nhanh, với các giao dịch giá trị nhỏ (dự kiến khoảng dưới một triệu đồng) sẽ không cần nhập PIN/ký mà vẫn có thể giao dịch được”, ông Nguyễn Quang Minh nhấn mạnh.

Tăng tính bảo mật thẻ ATM

Bên cạnh việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip của các ngân hàng, một vấn đề được rất nhiều chủ thẻ quan tâm là liệu họ có tốn phí khi thực hiện chuyển đổi hay không? Bởi trên thực tế, chi phí để sản xuất một chiếc thẻ chip cao hơn khá nhiều so với thẻ từ thông thường. Đến thời điểm này, vẫn chưa có văn bản chính thức nào của các bên về quy định liên quan đến phí chuyển đổi thẻ. Tuy nhiên theo chia sẻ từ một số lãnh đạo ngân hàng, mỗi đơn vị sẽ có chính sách riêng cho vấn đề này. “Thực chất, chi phí làm phôi thẻ mới chỉ chiếm khoảng 2-3% chi phí phát hành thẻ. Vì vậy, chi phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ không quá cao như việc phát hành một thẻ mới thông thường”, đại diện lãnh đạo NAPAS cho biết thêm. Về chi phí chuyển đổi, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tuấn cho biết: Các ngân hàng sẽ phải làm việc với các đối tác, tính toán chi phí chuyển đổi phù hợp. Bản thân các ngân hàng cũng sẽ cân đối chi phí để chuyển đổi bảo đảm hiệu quả và không ảnh hưởng đến hệ thống chấp nhận thẻ hiện tại. Do đó, ngân hàng có thể sẽ chia thành nhiều giai đoạn, ưu tiên chuyển đổi cho những khách hàng có giao dịch thường xuyên trước. Quá trình chuyển đổi thẻ dự kiến cũng sẽ được thực hiện theo từng bước chứ không chuyển đổi ồ ạt. Trước mắt, các ngân hàng sẽ tiến hành rà soát những thẻ sắp hết hạn và khách hàng mới đăng ký. Song song đó là đổi cuốn chiếu để không làm ảnh hưởng đến giao dịch của khách hàng.

Theo Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng, TPBank đã sớm hoàn tất việc nâng cấp khả năng chấp nhận thẻ chip đồng thời cho cả hệ thống quản lý thẻ nội địa và quốc tế, nâng cao tính bảo mật và tiện dụng cho khách hàng sử dụng thẻ. TPBank cũng đã tích hợp công nghệ không tiếp xúc (contactless) cho cả thẻ quốc tế và thẻ nội địa, nhờ đó khách hàng không cần phải quẹt thẻ hay cắm thẻ vào khe cắm trên máy POS/mPOS nữa mà chỉ cần cầm thẻ lướt nhẹ qua là thiết bị đã có thể đọc được thông tin trên thẻ nhờ các ăng-ten tích hợp bên trong thẻ. Ngoài ra, một lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cũng cho biết, ngân hàng này đã phát hành thẻ ATM sử dụng công nghệ chip EMV. Với thẻ chip EMV, tính bảo mật của thẻ sẽ được nâng cao hơn rất nhiều so với thẻ từ vì tội phạm thẻ không thể sao chép được dữ liệu để chế tạo thẻ giả và rút tiền, như từng làm với thẻ từ.

 

Ưu điểm của thẻ chip là thông tin nằm trong chip được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ. Việc chuyển sang thẻ chip sẽ khắc phục được tình trạng tội phạm thẻ đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả nhằm rút trộm tiền. Theo thống kê ở một số thị trường, tỷ lệ giao dịch bị giả mạo đã giảm mạnh khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip. Ngoài ra, các thẻ chip không tiếp xúc cũng sẽ hỗ trợ tích cực cho các khoản thanh toán dịch vụ công và nhất là thanh toán trong giao thông, là cơ hội mở rộng dịch vụ cho cả ngành ngân hàng và giao thông, góp phần giảm chi phí cho xã hội.

NGUYỄN QUANG HƯNG

Tổng Giám đốc NAPAS

 

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top