Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

08:45 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 11565 In bài viết
ĐBP - Vài năm trở lại đây, cánh đồng Mường Thanh xuất hiện một số giống lúa lẫn, mọc xen kẽ, thậm chí lấn chiếm diện tích lúa thường (người dân gọi là lúa ma). Loại lúa này phát triển mạnh, lan nhanh, khó kiểm soát, làm giảm năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Ðiện Biên. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân sử dụng tràn lan, thiếu khoa học đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khiến tình hình sinh vật gây hại diễn biến phức tạp, chi phí cho sản xuất ngày một tăng, lượng thuốc BVTV, phân bón sử dụng trên đồng ruộng nhiều gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trước thực trạng đó, vụ mùa năm 2018 và vụ đông xuân 2018 - 2019, Chi Cục BVTV tỉnh triển khai thử nghiệm mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và biện pháp xử lý lúa lẫn” trên địa bàn xã Thanh Xương với diện tích 1,7ha và mô hình “Áp dụng máy cấy lúa kéo tay vào sản xuất” cho 60 hộ tham gia với gần 20ha tại các xã: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên).

 

Nông dân tham gia mô hình sử dụng máy cấy kéo tay sản xuất vụ đông xuân 2018 - 2019.

Mục đích của hai mô hình sản xuất trên là nâng cao nhận thức của nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý giống, điều chỉnh mật độ, sử dụng thuốc BVTV nhằm tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với yếu tố ngoại cảnh và sinh vật hại; thực hiện xử lý tình trạng lúa lẫn trên đồng ruộng thông qua việc sử dụng dụng cụ cấy lúa kéo tay kết hợp làm cỏ, sục bùn.

Kết quả, sau 2 vụ triển khai hai mô hình cơ bản giải quyết được một số nhược điểm của phương thức gieo vãi như: Áp lực về sinh vật hại, sử dụng thuốc trừ cỏ, đặc biệt là lúa lẫn trên đồng ruộng giảm, năng suất lúa ổn định, đảm bảo chất lượng. Qua đó chứng minh hiệu quả việc cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Tại hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả áp dụng máy cấy lúa vụ đông xuân 2018 - 2019, nông dân tham gia mô hình và cán bộ chuyên môn đã tiến hành gặt thử nghiệm trên diện tích lúa 1m2 tại đội C9C, xã Thanh Xương để so sánh năng suất giữa ruộng sử dụng máy cấy và ruộng gieo vãi. Kết quả cho thấy, ruộng sử dụng máy cấy đạt 1,2kg thóc/m2 hạt thóc chắc, đều; còn ruộng gieo vãi đạt 0,7kg thóc/m2.

Ông Nguyễn Trọng Kính, Chi Cục trưởng Chi Cục BVTV tỉnh cho biết: Qua nghiên cứu, việc sản xuất lúa theo hình thức gieo vãi truyền thống không khắc phục tình trạng lúa lẫn, cần thay đổi phương thức sản xuất từ gieo vãi sang cấy. Mô hình lúa cấy giải quyết khá tốt lúa lẫn, thuốc bảo vệ thực vật giảm, trong đó mô hình tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ. Từ đó giảm ảnh hưởng xấu của thuốc BVTV đến nông sản và môi trường. Ðồng thời phương pháp cấy cũng khắc phục được tình trạng lúa giai đoạn đầu vụ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn làm trôi mộng hoặc thời tiết rét đậm rét hại...

Áp dụng biện pháp cấy mạ nền cứng ứng dụng dụng cụ cấy không động cơ (máy kéo tay) giúp người dân chủ động được mạ cấy, chăm sóc mạ tập trung. Vì vậy cây mạ khỏe, ít bị ảnh hưởng của thời tiết và hạn chế ốc bươu vàng gây hại giai đoạn đầu vụ; bệnh khô vằn, tập đoàn rầy xuất hiện muộn, mức độ gây hại giảm so với ruộng gieo vãi. Số lần phun thuốc BVTV giảm 3 - 5 lần, công lao động giảm từ 30 - 40 công. Sử dụng dụng cụ làm cỏ sục bùn kết hợp khử lẫn sớm ngay từ đầu vụ đã giảm tỷ lệ lúa lẫn 80 - 90% so với các vụ trước và ruộng gieo vãi. Do đó, năng suất lúa cấy theo mô hình đạt gần 71 tạ/ha, đảm bảo chất lượng, giá trị lúa cấy theo mô hình cao hơn so với ruộng gieo vãi từ 8 - 9 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Liên, đội C9A, xã Thanh Xương cho biết: Gia đình tôi tham gia mô hình với hơn 2.000m2 ruộng. Trước khi tham gia mô hình thì liên tục 3 vụ lúa, hơn 1.000m2 năng suất giảm mạnh do tình trạng lúa lẫn. Vụ đông xuân 2018 - 2019 là vụ thứ 2 tôi thực hiện mô hình ứng dụng máy cấy lúa kéo tay. Tôi nhận thấy mô hình rất phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay, là giải pháp hiệu quả nhất trong trừ khử lúa lẫn. Mô hình không sử dụng thuốc trừ cỏ nhưng ruộng không hề có cỏ. Bông lúa tuy thưa nhưng hạt thóc to và độ mẩy, chắc cao.

Biện pháp cấy mạ nền cứng ứng dụng dụng cụ cấy không động cơ là mô hình đầu tiên ứng dụng máy cấy trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, mô hình điểm đã chứng minh và phát huy hiệu quả cơ giới hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, thời gian tới, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi cục BVTV tỉnh và chính quyền địa phương cần nghiên cứu khắc phục một số tồn tại hiện nay như: Quá trình vận chuyển mạ từ nhà ra ruộng khó khăn bởi đường nội đồng đa số vẫn là đường đất, hẹp; diện tích ruộng áp dụng mô hình không tập trung; một số hộ dân vẫn còn tâm lý lo lắng về số lượng phân bón và thuốc BVTV nên vẫn còn tình trạng bón phân và phun thuốc không theo quy trình kỹ thuật, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Có như vậy, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp và xử lý lúa lẫn mới phát huy hiệu quả cao nhất; được đông đảo người dân đón nhận và nhân rộng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top